Ngày 06/11/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
>> Góp vốn thành lập DN bằng sức lao động được không?
>> Quy định về chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu
1. Doanh nghiệp được nộp hồ sơ hỗ trợ đào tạo nghề thành nhiều đợt
Khoản 3 Điều 1 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg quy định:
2. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 11 Quyết định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Người sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thành các đợt khác nhau để phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh và việc sử dụng lao động. Người lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng 01 lần theo chính sách này.
Theo đó, khoản này bổ sung nơi nộp hồ sơ đề nghị là nơi người sử dụng lao động đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thành nhiều đợt.
2. Bổ sung hình thức tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương
Theo quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì hồ sơ đề nghị phải bao gồm bản sao văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Quyết định 33 đã bổ sung hình thức tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương do sự kiện bất khả kháng như sau:
Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thỏa thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,...), sau khi có sự thống nhất thỏa thuận về việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương giữa hai bên thì người sử dụng lao động ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột “Ghi chú” tại Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quyết định này và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.
Theo đó, các bên có thể thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử,... nhưng phải ghi rõ cách thức thỏa thuận vào cột Ghi chú trong Danh sách người lao động có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội.
3. Bổ sung nơi nộp hồ sơ khi ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương
Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg, bên cạnh Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính doanh nghiệp có thể tùy chọn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện ở nơi đặt các địa điểm sau:
- Trụ sở chính.
- Chi nhánh.
- Văn phòng đại diện.
- Địa điểm sản xuất, kinh doanh.
4. Bổ sung các trường hợp người lao động ngừng việc
Khoản 7 Điều 1 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg bổ sung các trường hợp người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc được hỗ trợ như sau:
- Phải điều trị COVID-19;
- Không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19
- Có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, khoản này cũng nới lỏng quy định về điều kiện bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách bổ sung trường hợp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng người lao động ngừng việc (Quyết định 23 chỉ có tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc).
5. Bổ sung trường hợp hỗ trợ hộ kinh doanh.
Quyết định 33 đã bổ sung thêm trường hợp hỗ trợ đối với hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh.
Theo đó, hồ sơ, thủ tục hỗ trợ trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc sau:
- Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
- Hỗ trợ 01 lần với mức 3.000.000 đồng/hộ.
- Không áp dụng đối với những trường hợp đã được địa phương quy định là đối tượng được hỗ trợ theo chính sách tại Nghị quyết 68/NQ-CP.
Căn cứ pháp lý