Dưới đây là các trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản, quy định về doanh nghiệp đấu giá tài sản và văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
>> 04 trường hợp công ty đại chúng không được mua lại cổ phiếu của chính mình
Căn cứ khoản 1 Điều 31 Luật Đấu giá tài sản 2016, doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
(i) Giải thể.
(ii) Hợp nhất, bị sáp nhập.
(iii) Phá sản.
(iv) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
Căn cứ khoản 1 Điều 32 Luật Đấu giá tài sản 2016 (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 19 Điều 1 Luật số 37/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025), doanh nghiệp đấu giá tài sản bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động trong các trường hợp sau đây:
- Không đáp ứng quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016.
- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký hoạt động là giả mạo.
- Ngừng hoạt động 01 năm mà không thông báo với Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không gửi báo cáo theo quy định tại điểm 1 khoản 2 Điều 24 Luật Đấu giá tài sản 2016
- Theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền mà tái phạm
- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, doanh nghiệp đấu giá tài sản chấm dứt hoạt động khi bị giải thể, hợp nhất, bị sáp nhập, phá sản và bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.
File word Luật Đấu giá tài sản và văn bản hướng dẫn mới nhất năm 2024 |
Các trường hợp chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản
(Ảnh minh họa - Nguồn Internet)
Căn cứ Điều 23 Luật Đấu giá tài sản 2016, quy định về doanh nghiệp đấu giá tài sản.
(i) Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định Luật Đấu giá tài sản 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(ii) Về tên của doanh nghiệp đấu giá tài sản:
- Tên của doanh nghiệp đấu giá tư nhân do chủ doanh nghiệp lựa chọn.
- Tên của công ty đấu giá hợp danh do các thành viên thỏa thuận lựa chọn và theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020.
- Tên phải bao gồm cụm từ “doanh nghiệp đấu giá tư nhân” hoặc “công ty đấu giá hợp danh”.
(iii) Điều kiện đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản:
- Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp.
Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên.
- Có trụ sở, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho hoạt động đấu giá tài sản.
Lưu ý: Những nội dung liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản không quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016 thì thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 30 Luật Đấu giá tài sản 2016, quy định về văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản:
(i) Doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập văn phòng đại diện.
- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp đấu giá tài sản do doanh nghiệp thành lập trong hoặc ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
- Lưu ý: Văn phòng đại diện không được thực hiện việc đấu giá tài sản.
(ii) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập văn phòng đại diện, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản về địa chỉ của văn phòng đại diện cho Sở Tư pháp nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở và Sở Tư pháp nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.