Điều lệ công ty là một cam kết giữa các chủ sở hữu công ty nhằm xác lập các nội dung về danh tính công ty, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động của công ty, cách thức công ty chấm dứt tồn tại… Cùng với các quy định của pháp luật mà pháp nhân cần phải tuân thủ, chấp hành, thì Điều lệ công ty là một trong những văn bản quan trọng nhất trong việc điều hành và quản lý của công ty. Vì tính chất quan trọng của loại tài liệu này, doanh nghiệp cần lưu ý một số điểm cơ bản khi soạn thảo điều lệ công ty.
>> Điều kiện để trở thành thành viên hợp danh
>> Điều kiện để được mở công ty dịch vụ kế toán
1. Điều lệ công ty là gì?
Hiện tại, quy định của pháp luật không nêu rõ về khái niệm điều lệ công ty (ĐLCT), tuy nhiên ta có thể hiểu như sau:
Điều lệ công ty là một cam kết được đồng ý bởi các chủ sở hữu công ty, giữa những người sáng lập với nhau cũng như những người sáng lập với những người góp vốn (thành viên hợp danh, thành viên góp vốn vào công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông) nhằm xác lập các nội dung về danh tính công ty, cách thức thành lập, góp vốn, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động của công ty, cách thức công ty chấm dứt tồn tại và những nội dung khác.
Điều lệ công ty trước hết có thể xem là một bản hợp đồng được đồng ý bởi các bên trong công ty mang tính chất quy định. Nó được xây dựng dựa trên các khuôn khổ, hành lang pháp lý mà pháp luật đề ra mặt khác lại doanh nghiệp được phép tự do chỉnh sửa, miễn là không trái pháp luật.
Khoản 1 Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN), Điều lệ công ty bao gồm: Điều lệ khi đăng ký thành lập công ty và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
2. Những điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi soạn thảo điều lệ
Thứ nhất, ĐLCT không được làm trái lại với những quy định của pháp luật hay xâm phạm quyền lợi của các bên thứ ba.
Đây là nguyên tắc đầu tiên và rất cơ bản khi soạn thảo ĐLCT. Pháp luật cho phép Điều lệ được tự do quy định tuy nhiên các quy định này phải được xây dựng trong khuôn khổ, hành lang pháp lý của LDN và pháp luật khác. Pháp luật luôn có những quy định mở để Điều lệ có quy định điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh của công ty mình. Nhưng ĐLCT nếu có quy định cũng không được phá vỡ những mức tối đa hay tối thiểu do luật định.
Thứ hai, ĐLCT như là một hợp đồng nhiều bên dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận để quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, tổ chức quản lý, hoạt động của công ty.
Như vậy ĐLCT trước khi được xác lập phải trải qua các bước họp và đàm phán, thỏa thuận những vấn đề cần được nêu ra trong Điều lệ. Bên cạnh các quy định mà pháp luật đã thừa nhận thì ĐLCT phải xác định rõ quyền và nghĩa vụ khác của các bên cũng như cách thức thực hiện nó để chi tiết hóa khi áp dụng vào thực tiễn.
Ví dụ Về tổ chức quản lý công ty, khi xây dựng cũng cần lưu ý, thảo luận đề ra rõ ràng về cơ cấu quản lý công ty và thẩm quyền của người quản lý để tránh xảy ra tình trạng lạm quyền hay tư lợi cá nhân gây thiệt hại cho công ty và thành viên hoặc cổ đông khác. Đặc biệt đối với Công ty cổ phần thì HĐQT, Ban giám đốc, Ban kiểm soát cần phải được ghi nhận trong Điều lệ, kèm theo là nội dung hoạt động, quyền hạn, nghĩa vụ cũng như chỉ rõ ai là người đại diện theo pháp luật của công ty. Xác định đúng và quy định rõ các vấn đề trong ĐLCT góp phần giảm thiểu tranh chấp nội bộ công ty và làm cơ sở cho các bên thứ ba yên tâm khi đầu tư, hợp tác hay kí kết làm ăn.
Do đó, khi soạn thảo hoặc sửa đổi Điều lệ, các thành viên hoặc cổ đông phải có sự thảo luận, cân nhắc từng vấn đề một để xây dựng được một bản Điều lệ phù hợp nhất với điều kiện và tình hình hoạt động kinh doanh của công ty mình.
Thứ ba, ĐLCT phải có đủ các nội dung chủ yếu theo quy định pháp luật.
Cụ thể là phải có đầy đủ các nội dung theo quy định tại Điều 24 LDN 2020 về Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; Ngành, nghề kinh doanh; Vốn Điều lệ…
Sở dĩ LDN bắt buộc Điều lệ phải có những quy định này vì đây là những vấn đề cơ bản rất quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp. Thành viên, cổ đông sẽ nhìn vào bản Điều lệ để biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Người thứ ba đọc Điều lệ có thể xác định được công ty này hoạt động ngành nghề gì, đại diện pháp luật là ai, thẩm quyền của công ty được ấn định ra sao để có thể tin tưởng kí hợp đồng mà không sợ bị sai thẩm quyền. Người quản lý hay thành viên Ban kiểm soát có thể căn cứ Điều lệ để biết trách nhiệm, vai trò của mình là gì, mình được đãi ngộ ra sao? Hay nếu muốn trở thành thành viên hoặc cổ đông của công ty, tìm hiểu các vấn đề về chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần được tiến hành như thế nào thì các thành viên hoặc cổ đông đều có thể dễ dàng tham chiếu nhanh chóng từ ĐLCT. Hay nói ngắn gọn, bản ĐLCT chính là nơi các đối tượng có liên quan tìm thấy quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Vì vậy, để đáp ứng tiêu chí đó thì Điều lệ tối thiểu phải đảm bảo được những nội dung theo quy định tại Điều 24 LDN 2020.
Thứ tư, ĐLCT khi đăng kí doanh nghiệp phải thể hiện được sự chấp thuận của tất cả các thành viên sáng lập.
Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây: Các thành viên hợp danh đối với Công ty hợp danh; Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với Công ty TNHH một thành viên; Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên; cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với Công ty cổ phần.
Đây là một nguyên tắc vô cùng quan trọng, nó thể hiện bản Điều lệ được xây dựng là hoàn toàn dựa trên ý chí chấp thuận của tất cả những người sáng lập ra công ty. Sau này khi có bất kì vấn đề gì phát sinh thì các thành viên hoặc cổ đông cũng không lấy lí do là mình không hay biết về việc soạn thảo Điều lệ để mà khởi kiện đòi bồi thường hay yêu cầu tuyên bố Điều lệ vô hiệu.
Căn cứ pháp lý: