Tôi có một số vấn đề chưa được rõ về việc thi hành án đối với bản thân tôi tại huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai. Theo quyết định của Toà án nhân dân huyện ĐakPơ - tỉnh Gia Lai số 28/2011/QĐST-HNGĐ, ngày 16 tháng 8 năm 2011, tôi và ông Tuấn đã thuận tình ly hôn. Bản thân tôi nhận nuôi 2 con chung 1 cháu sinh năm 2004, 1 cháu sinh năm 2007. Định kì hàng tháng ông Tuấn cấp dưỡng nuôi 2 con chung 1.000.000 đồng (một triệu đồng) kể từ tháng 8/2011. Về tài sản, ông Tuấn sở hữu toàn bộ khối tài sản chung của vợ chồng là nhà và phải thanh toán lại cho tôi 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) dứt điểm một lần vào ngày 15/10/2011. Đến tháng 12/2011 (4 tháng sau khi có quyết định của Toà án), Cục THADS huyện Đăk Pơ gọi tôi đến để nhận 2.000.000đ (hai triệu đồng) tiền cấp dưỡng từ ông Tuấn. Đến tháng 5/2012 (9 tháng sau khi có quyết định), Cục THADS huyện lại gọi tôi đến nhận 2.000.000đ (hai triệu đồng) tiền cấp dưỡng. Tính đến nay là 13 tháng tôi đã nhận tất cả là 4.000.000đ (bốn triệu đồng) tiền cấp dưỡng nuôi con và chưa nhận khoản tiền thanh toán tài sản nào. Trước sự thi hành án chậm trễ của ông Tuấn mà bản thân tôi chỉ nhận lương ổn định hàng tháng với mức lương bậc 4, hệ số 3,33 còn phải trừ 900.000đ/tháng vào tiền vay ngân hàng nên cuộc sống của 3 mẹ con tôi rất khó khăn, vất vả. Hiện tại ba mẹ con tôi đang sống trọ trong một khu tập thể bỏ hoang mục nát, tồi tàn, lụp xụp, ẩm thấp, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu mưa to gió lớn. Tôi không thể thuê chỗ ở khác để đảm bảo an toàn vì không đủ chi trả tiền thuê nhà hàng tháng. Xét thấy ông Tuấn là một giáo viên có thu nhập ổn định hàng tháng với mức lương bậc 4, hệ số lương 3,03 nên tôi có đề nghị Cục THADS huyện trích 1.000.000đ trong số tiền lương của ông Tuấn để 2 con tôi được nhận khoản tiền cấp dưỡng một cách ổn định. Nhưng chuyên viên Cục THADS huyện trực tiếp thụ lý hồ sơ của tôi cho biết không thể trừ tiền lương của ông Tuấn vì ông Tuấn phải trả tiền vay ngân hàng 1.050.000đ/tháng nên số tiền còn lại là 3.250.000đ nếu trích cho tôi 30% theo quy định thì vẫn không đủ 1.000.000đ và nếu trích như vậy sẽ không đảm bảo điều kiện sống cho ông Tuấn. Còn việc kê biên nhà ở của ông Tuấn là rất khó vì hiện tại ông Tuấn đang vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng Nông nghiệp huyện Đăk Pơ với số tiền là 20.000.000; theo như lời Cục trưởng và Phó Cục trưởng cục THADS huyện cho biết không thể thực hiện cưỡng chế vì làm việc như vậy sẽ thiếu tính nhân văn. Vậy tôi xin hỏi: 1. Thời gian tự nguyện thi hành bản án của ông Tuấn như vậy có phải là đã quá chậm trễ hay không? Đến thời điểm này có thể thực hiện cưỡng chế thi hành án chưa? 2. Việc ông Tuấn vay ngân hàng trừ lương hàng tháng có ảnh hưởng đến việc cấp dưỡng nuôi con hàng tháng hay không? Tiền lương của tôi hàng tháng chỉ hơn ông Tuấn 300.000đ (ba trăm nghìn) mà phải trả tiền vay ngân hàng xấp xỉ với số tiền ông Tuấn trả ngân hàng. Một mình ông Tuấn không đủ sống, vậy cả ba mẹ con tôi có đủ sống hay không? Nếu hết đợt này ông Tuấn lại vay tiếp đợt khác liên tục như vậy thì liệu việc thi hành án có được đảm bảo hay không? 3. Việc ông Tuấn vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ có ảnh hưởng gì đến việc kê biên nhà ở không? Toàn bộ chi phí cưỡng chế thi hành án là do ai phải nộp? Trường hợp tôi không có đủ số tiền nộp trước khi cưỡng chế thì tôi có thể nộp sau khi cưỡng chế được không? 4. Số tiền chậm thi hành án sẽ được tính theo lãi suất ngân hàng theo quyết định sơ thẩm của TAND huyện Đăk Pơ nhưng nếu ông Tuấn không đủ điều kiện trả thì sẽ được giải quyết như thế nào?