Tiền thai sản của chồng là bao nhiêu khi vợ sinh con?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Trước đây chưa quy định chế độ thai sản dành cho lao động nam khi vợ sinh con. Tuy nhiên từ ngày 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực, các vấn đề về chế độ thai sản của lao động nam sẽ được điều chỉnh bởi văn bản này.
Theo đó, tại Điều 34, Mục 2, Chương III quy định, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con sẽ được nghỉ thai sản từ 5 đến 14 ngày.
Cụ thể, nếu vợ sinh thường, người cha sẽ được nghỉ 5 ngày làm việc. Nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi, người cha sẽ được nghỉ 7 ngày làm việc.
Trong trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
Trong trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì người cha được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bên cạnh đó, tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội mới cũng quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày.
Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Đối với trường hợp lao động nữ bị sẩy thai hoặc hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 10 ngày 50 ngày.
Cụ thể, người mẹ được nghỉ 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Theo điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức hưởng chế độ thai sản một ngày của lao động nam (đối tượng được đề cập tại khoản 2 Điều 34 vừa trích dẫn ở trên) được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày.
Bên cạnh đó, theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về việc trợ cấp một lần khi sinh con: “Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.
Nếu vợ bạn sinh con vào hoặc sau ngày 1/1/2016 khi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực và bạn là lao động đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con.
Trường hợp vợ bạn sinh con nhưng chỉ có bạn tham gia bảo hiểm xã hội thì bạn còn được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dịch vụ chỉ chịu thuế bảo vệ môi trường là giá nào?
- Lịch thi Violympic cấp huyện 2024 - 2025 chi tiết nhất? Còn mấy ngày nữa thi?
- Còn bao nhiêu ngày nữa tới mùng 2 Tết 2025? Lịch âm tháng 1 2025 có mấy ngày chủ nhật?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 12 âm lịch 2024, NLĐ được nghỉ Tết Dương lịch 2025 chưa?
- Tiền thưởng Tết 2025 của người lao động có tính đóng bảo hiểm xã hội không?