Thẩm quyền phân biệt xe kinh doanh hay cá nhân

Tôi sử dụng loại xe đa dụng 7 chỗ và trên mui xe đã gắn giá nóc (baga mui) để chở thêm đồ trong trường hợp trong xe đã đầy người. Như vậy nếu tôi muốn chở thêm đồ đạc trên mui xe khi đi du lịch cùng gia đình bạn bè thì có vi phạm luật giao thông hay không? Ngoài ra, xe tôi là xe đăng kiểm theo dạng xe chở khách chạy theo hợp đồng. Tôi muốn biết rõ là nếu xe tôi đăng kiểm như vậy thì có phải gọi là xe kinh doanh vận tải hay không và khi tôi chở thêm đồ đạc cá nhân trong xe hoặc trên mui xe như vậy thì có vi phạm gì không? Nếu tôi chở gia đình đi chơi thì làm sao có thể phân biệt được so với khi tôi đang chở hành khách theo hợp đồng, trường hợp bị CSGT thổi phạt thì phải chứng minh thế nào để biết là ngay tại thời điểm đó tôi đang sử dụng xe theo mục đích cá nhân gia đình chứ không phải kinh doanh vận tải?

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Để bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ tại khoản 1 và khoản 2 Điều 55 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

1. Việc sản xuất lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe khác thành ôtô chở khách.

2. Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc cải tạo xe cơ giới và xe cơ giới sau khi cải tạo phải phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới khi tham gia giao thông và phải tuân thủ các quy định về trình tự và thủ tục tại Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Sau khi cải tạo phải được đơn vị kiểm định cấp giấy chứng nhận cải tạo.

Trường hợp gắn giá nóc (baga mui) để chở thêm đồ trong khi đó giấy đăng kiểm không có hiển thị là có giá nóc (baga mui) thì phải đi làm các thủ tục cải tạo xe. Nếu thay đổi, cải tạo xe và chưa làm các thủ tục cải tạo mà vẫn lưu thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại Điều 3 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có quy định:

1. Kinh doanh vận tải bằng ôtô là việc sử dụng xe vận tải hàng hóa, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi; bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp.

2. Kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp dịch vụ vận tải và thu cước phí vận tải trực tiếp từ khách hàng.

3. Kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp là hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô, trong đó đơn vị kinh doanh vừa thực hiện công đoạn vận tải, vừa thực hiện ít nhất một công đoạn khác trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ và thu cước phí vận tải thông qua doanh thu từ sản phẩm hoặc dịch vụ đó.

4. Đơn vị kinh doanh vận tải là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng ôtô.

Mặt khác, Điều 7 Nghị định này cũng quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng như sau:

1. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.

2. Khi thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).”

Như vậy, việc kinh doanh vận tải bằng ôtô phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải.

Đối với trường hợp khi đang thực hiện vận tải hành khách theo hợp đồng Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra thì lái xe phải xuất trình được bản chính hoặc bản sao hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị vận tải cùng các giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.

Việc sử dụng xe với mục đích cá nhân chở gia đình đi chơi nếu bị CSGT yêu cầu kiểm tra. Trong trường hợp này nghĩa vụ chứng minh sẽ thuộc về CSGT và thông thường họ sẽ hỏi những người trên xe về mối quan hệ giữa họ với lái xe để xác định là xe chạy hợp đồng hay chở gia đình.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
295 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào