Cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm hành chính như thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành, việc xác định giá trị có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét thẩm quyền xử phạt cũng như việc xác định hình thức xử phạt, khung tiền phạt đối với chủ thể vi phạm. Cơ quan thực thi pháp luật quyết định hình thức xử phạt căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó việc xác định giá trị hàng hóa vi phạm đóng vai trò rất quan trọng, tùy vào giá trị sẽ quyết định hình thức xử phạt có thể là biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.
Thẩm quyền xử phạt bao gồm các cơ quan chính và phân cấp xử phạt trong từng cơ quan bao gồm:
+ Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
+ Thẩm quyền của Công an nhân dân
+ Thẩm quyền của Bộ đội biên phòng
+ Thẩm quyền của Cảnh sát biển
+ Thẩm quyền của Hải quan
+ Thẩm quyền của Kiểm lâm
+ Thẩm quyền của cơ quan Thuế
+ Thẩm quyền của Quản lý thị trường
+ Thẩm quyền của Thanh tra
+ Thẩm quyền của Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thuỷ nội địa
+ Thẩm quyền của Toà án nhân dân
+ Thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự
+ Thẩm quyền của Cục Quản lý lao động ngoài nước
+ Thẩm quyền của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ nhất: Trong trường hợp cần xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.
Thứ hai: Tùy theo loại tang vật cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
+ Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu.
+ Giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương. Trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính.
+ Giá thành của tang vật nếu là hàng hóa chưa xuất bán.
+ Đối với tang vật là hàng giả thì giá của tang vật đó là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính.
Thứ ba: Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ trên để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên
Tuy nhiên, trong thời gian qua nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra giữa một bên là cơ quan thực thi pháp luật và một bên là chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến giá trị của hàng hóa vi phạm. Phần lớn các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm không đồng ý với cách tính giá trị hàng hóa vi phạm của cơ quan thực thi pháp luật. Họ cho rằng các cơ quan thực thi pháp luật đã tính giá trị hàng hóa vi phạm cao hơn thực tế, cách tính giá trị hàng hóa vi phạm mang tính áp đặt, từ đó áp dụng các quy định pháp luật bất lợi cho họ.
Từ các vụ tranh chấp trên cho thấy có sự không thống nhất trong cách xác định giá trị hàng hóa vi phạm giữa 2 bên. Vậy cơ sở nào để tiến hành xác định giá trị hàng hóa vi phạm? Liệu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có quy định rõ ràng phương pháp để xác định giá trị hàng hóa vi phạm hay chưa?
Theo khoản 12 Điều 3 Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa: "Hàng hóa bao gồm nguyên liệu hoặc sản phẩm". Cũng theo khoản 10 Điều 3 Nghị định này thì nguyên liệu bao gồm nguyên liệu thô, thành phần, phụ tùng, linh kiện, bộ phận rời và các hàng hóa mà có thể hợp lại để cấu thành một hàng hóa khác sau khi trải qua một quá trình sản xuất.
Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính phải trên cơ sở các căn cứ: "Vật, tiền, hàng hóa, phương tiện là tang vật trực tiếp của vi phạm hành chính hoặc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính, mà nếu không có vật, tiền, hàng hóa, phương tiện này thì không thể thực hiện được hành vi vi phạm".
Bên cạnh đó, quy định về xử lý hàng hóa xâm phạm Sở hữu trí tuệ cũng được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006: "Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm".
Qua các quy định trên, chúng ta có thể kết luận rằng hàng hóa vi phạm hành chính bao gồm sản phẩm thành phẩm, nguyên liệu, vật liệu và các yếu tố khác được sử dụng với mục đích tạo nên sản phẩm đó.
Như vậy, muốn xác định giá trị hàng hóa vi phạm thì phải xác định tổng giá trị của bản thân sản phẩm (thành phẩm) cùng với giá trị của các yếu tố khác được sử dụng với mục đích tạo nên sản phẩm đó với điều kiện nếu không có các yếu tố này thì chủ thể thực hiện hành vi vi phạm không thể thực hiện được hành vi vi phạm.
Theo khoản 2 Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì giá trị hàng hóa vi phạm do cơ quan xử lý xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm, dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau: giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm; giá thực bán của hàng hóa xâm phạm; giá thành của hàng hóa xâm phạm (nếu chưa được xuất bán); giá thị trường của hàng hóa tương đương có cùng chỉ tiêu kỹ thuật, chất lượng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành cơ quan xử lý xâm phạm xác định giá trị hàng hóa xâm phạm tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm hoặc do Hội đồng xác định giá trị hàng hóa xâm phạm.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?