Viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của ông Hải như sau:
Khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, viên chức được giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau:
- Viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản;
- Viên chức đơn phương chấm dứt HĐLV theo quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức, gồm các trường hợp:
Viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày (Khoản 4, Điều 29 Luật Viên chức).
Viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp: Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc; Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc; Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động; Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh; Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 3 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (Khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức).
- Đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt HĐLV với viên chức khi có một trong các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d và điểm đ, khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức, gồm các trường hợp:
Viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 12 tháng liên tục, viên chức làm việc theo HĐLV xác định thời hạn bị ốm đau đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục (Điểm c, khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức).
Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ làm cho đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thu hẹp quy mô, khiến vị trí việc làm mà viên chức đang đảm nhận không còn (Điểm d, khoản 1, Điều 29 Luật Viên chức).
Khi đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (Điểm đ, khoản 1, Điều 29 Luật viên chức).
Trường hợp ông Hải phản ánh, theo luật sư, việc viên chức có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản giải quyết thôi việc theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP là trường hợp hai bên chấm dứt HĐLV theo thoả thuận.
Do yêu cầu công tác, chưa bố trí được người thay thế nên người đứng đầu đơn vị sự nghiệp chưa giải quyết cho ông Hải thôi việc là phù hợp với quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
Việc đơn vị chưa giải quyết thôi việc theo nguyện vọng của viên chức là trường hợp hai bên chưa thỏa thuận được việc chấm dứt HĐLV.
Bên cạnh trường hợp hai bên chấm dứt HĐLV theo thỏa thuận, hoặc hai bên chưa thỏa thuận được việc chấm dứt HĐLV (nêu trên), thì điểm b, khoản 1, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP còn quy định viên chức làm việc theo HĐLV không xác định thời hạn được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 4, Điều 29 Luật Viên chức.
Theo đó, nếu ông Hải chưa được đơn vị đồng ý cho thôi việc theo nguyện vọng, thì ông còn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLV sau khi ông có thông báo bằng văn bản nội dung ông sẽ đơn phương chấm dứt HĐLV gửi cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đó biết trước ít nhất 45 ngày.
Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ông Hải thông báo bằng văn bản việc đơn phương chấm dứt HĐLV, đơn vị cần có phương án nhân sự thay thế vị trí việc làm của ông Hải để đảm bảo yêu cầu công tác sau khi ông Hải thôi việc.
Như phân tích nêu trên, nhận thấy quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về việc viên chức có nguyện vọng thôi việc nhưng do yêu cầu công tác chưa bố trí được người thay thế nên chưa được đơn vị sự nghiệp đồng ý cho thôi việc, không có mâu thuẫn với quy định về quyền đơn phương chấm dứt HĐLV của viên chức quy định tại khoản 4, khoản 5, Điều 29 Luật Viên chức vì hai quy phạm pháp luật này điều chỉnh 2 vấn đề khác nhau đó là việc chấm dứt HĐLV theo thỏa thuận và việc viên chức đơn phương chấm dứt HĐLV.
Luật sư Trần Văn Toàn
Theo VGP News
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?