Cho vay tiền nhưng không đòi được nợ phải làm sao?
Cảm ơn bạn Thanh Mai đã gửi thắc mắc về chuyên mục Tư vấn pháp luật
Trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:
Đòi tiền bằng con đường kiện dân sự
Kiện dân sự trong trường hợp chỉ là giao dịch dân sự vay tiền thông thường bằng hình thức, người cho vay tiền muốn đòi được nợ quá hạn mà bên vay chưa thanh toán thì phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Đồng thời để đảm bảo đơn kiện được Tòa án chấp thuận và thụ lý bên cho vay cần phải cung cấp các cần tài liệu chứng cứ liên quan đến việc xác định đã có quan hệ giao dịch vay tiền trên thực tế, thông qua các tài liệu chứng minh có việc vay tiền, nhận tiền giữa hai bên. Theo đó, người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, Tòa án chỉ có căn cứ để giải quyết khi người cho vay tiền phải có bằng chứng, chứng cứ thể hiện mối quan hệ vay hoặc cả hai bên đều thừa nhận có giao dịch vay tiền trên thực tế.
Trong trường hợp việc vay mượn giữa hai bên không thiết lập hợp đồng, cũng không có giấy biên nhận hay giấy ghi nợ thì bên cho vay có thể xuất trình cho Tòa án các chứng cứ như bản ghi âm cuộc giao dịch vay tiền, nội dung tin nhắn vay tiền, hay nội dung email, người làm chứng xác nhận có việc vay tiền của bị đơn đối với nguyên đơn.v.v. Đây sẽ là chứng cứ trong trường hợp không có giấy tờ có giá trị chứng minh trực tiếp khoản vay. Tuy nhiên đây là trường hợp khó đòi nợ hơn do tính phức tạp của quá trình chứng minh. Do đó, đòi hỏi bên cho vay muốn đòi được khoản nợ phải tích cực cung cấp chứng cứ để đủ cơ sở lấy lại khoản tiền nợ ngắn hạn.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, trong trường hợp Tòa án công nhận có khoản vay trên thực tế, bên cho vay chưa trả tiền thì để đòi được khoản tiền vay này, bên cho vay phải làm đơn xin Thi hành án Dân sự kê biên, phát mại để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người vay tiền. Và như vậy, nếu bên vay không có tài sản để thi hành án không thể thực hiện và phải đợi đến khi người vay tiền phát sinh tài sản mới có thể yêu cầu thi hành án để lấy lại khoản tiền đã cho vay.
Tố giác tội phạm để lấy lại khoản vay
Mặt khác, việc đòi nợ cũng có thể giải quyết bằng con đường hình sự, thông qua việc tố giác tội phạm. Tùy từng trường hợp cụ thể nếu có đủ căn cứ xác định tội phạm, người vay tiền đã có những hành vi đủ yếu tố cấu thành Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì người cho vay tiền cần làm đơn tố giác gửi Cơ quan điều tra, để nghị tiến hành điều tra khởi tố vụ án. Đó là các trường hợp người vay tiền có hành vi gian dối ngay từ khi thực hiện giao dịch hoặc có hành vi lạm dụng tín nhiệm để vay tài sản hoặc vay tài sản sau đó tẩu tán tài sản, bỏ trốn... nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc sử dụng khoản tiền vay vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng thanh toán, có tài sản nhưng cố tình không trả nợ.v.v. Nếu xảy ra vụ án hình sự thì khi xét xử tòa án sẽ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, theo đó người vay tiền vừa bị giải quyết về vấn đề hình sự vừa phải bồi thường số tiền chiếm đoạt cho người bị hại do hành vi phạm tội mà người vay tiền gây ra, theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Nguồn: Công ty Luật Vinabiz/ Nguoiduatin.vn
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Link dự thi Cuộc thi chăm sóc mắt và phòng chống suy giảm thị lực ở học sinh năm 2024?
- Đối tượng kê khai tài sản theo Nghị định 130?
- Lễ Tạ ơn là gì? Lễ Tạ ơn 2024 vào ngày nào? Lễ Tạ ơn ở Việt Nam có phải là ngày lễ lớn?
- Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy: Nghiên cứu hợp nhất văn phòng HĐND, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một?
- Từ 2025, ngân hàng không được gửi tin nhắn, email chứa đường link tới khách hàng?