04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Xây dựng hướng dẫn?
04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Xây dựng hướng dẫn?
Ngày 20/01/2025, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát.
Theo Quyết định 55/QĐ-BXD năm 2025 thì nhà tạm, nhà dột nát là nhà ở được xây dựng trên đất ở không có tranh chấp, không thuộc trường hợp nhà ở phải phá dỡ theo quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 136 Luật Nhà ở 2023, điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) và đáp ứng một trong các tiêu chí dưới đây:
[1] Về diện tích nhà ở:
- Đối với hộ đơn thân thì có diện tích nhỏ hơn 18 m2.
- Đối với trường hợp hộ gia đình thì có diện tích nhỏ hơn 30 m2 và diện tích bình quân đầu người nhỏ hơn 8 m2.
[2] Về kết cấu nhà ở
Nhà ở có kết cấu không bền chắc là nhà ở có ít nhất hai trong ba kết cấu chính bao gồm nền – móng, khung – tường, mái được làm bằng vật liệu không bền chắc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Kết cấu không bền chắc là kết cấu không thuộc các trường hợp sau:
- Nền - móng nhà được làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá, gạch lát, gỗ.
- Khung - tường bao gồm hệ thống khung, cột, tường kể cả móng đỡ. Trong đó, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường được xây bằng gạch, đá, hoặc làm từ gỗ bền chắc, kim loại.
- Mái gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Trong đó, hệ thống đỡ mái được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; mái được làm bằng bê tông cốt thép hoặc lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, thép, gỗ bền chắc) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc.
[3] Về thời gian sử dụng:
Nhà ở được xây dựng bằng vật liệu bền chắc có thời gian sử dụng từ 20 năm trở lên, chưa được cải tạo, sửa chữa, hiện đã xuống cấp, hư hỏng, không bảo đảm an toàn khi sử dụng.
[4] Đối với các tiêu chí khác (nếu có): như Không gian chức năng (bếp, vệ sinh), hệ thống kỹ thuật trong nhà (cấp điện, cấp nước), an toàn cháy nổ… căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định.
Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận về kết cấu nhà ở có thể làm bằng vật liệu địa phương có chất lượng tương đương do cơ quan chuyên môn của địa phương xác định chủng loại cụ thể và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Xây dựng phê duyệt.
04 tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát do Bộ Xây dựng hướng dẫn? (Hình từ Internet)
Trường Ban Chỉ đạo có trách nhiệm gì trong hoạt động triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước?
Căn cứ theo Điều 7 Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước ban hành kèm theo Quyết định 126/QĐ-BCĐ năm 2024, trách nhiệm của Trường Ban Chỉ đạo trong hoạt động triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước:
- Chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện mọi hoạt động của Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo.
- Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo; phân công, ủy quyền cho Phó Trưởng ban hoặc Ủy viên Ban Chỉ đạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban khi cần thiết.
- Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Việc phá dỡ nhà ở phải đáp ứng yêu cầu gì?
Căn cứ theo Điều 138 Luật Nhà ở 2023, việc phá dỡ nhà ở phải đáp ứng 05 yêu cầu sau đây:
- Phải di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực phá dỡ.
- Phải có biển báo và giải pháp cách ly với khu vực xung quanh.
- Bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình xung quanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trường hợp không bị phá dỡ và bảo đảm vệ sinh, môi trường theo quy định của pháp luật.
- Đối với trường hợp phải có phương án phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng thì chủ sở hữu, người đang quản lý, sử dụng nhà ở, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phải lập phương án phá dỡ trước khi thực hiện.
- Không được thực hiện việc phá dỡ nhà ở thuộc khu dân cư trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ và từ 22 giờ đến 05 giờ, trừ trường hợp khẩn cấp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?