Từ 2025, ô tô xả rác ra ngoài đường phố có thể bị phạt tới 15 triệu đồng?
Từ 2025, ô tô xả rác ra ngoài đường phố có thể bị phạt tới 15 triệu đồng?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 17 Nghị định 168/2024/NĐ-CP có quy định cụ thể như sau:
Điều 17. Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không đáp ứng yêu cầu về vệ sinh lưu thông trong đô thị.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở đất đá, phế thải, hàng rời mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; làm rơi vãi hàng hóa trên đường bộ; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông;
b) Lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất an toàn giao thông.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố.
5. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện (khi điều khiển xe ô tô) thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm.
Như vậy, từ 2025, người điều khiển xe ô tô (xe máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô) thực hiện hành vi đổ trái phép rác, đất, cát, đá, vật liệu, chất phế thải ra đường phố sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt hành chính, người điều khiển phương tiện (khi điều khiển xe ô tô) thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 02 điểm theo quy định của pháp luật.
Từ 2025, ô tô xả rác ra ngoài đường phố có thể bị phạt tới 15 triệu đồng? (Hình từ Internet)
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được thực hiện như thế nào?
Tại khoản 7 Điều 3 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:
Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
[....]
7. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm những loại nào?
Căn cứ theo Điều 34 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm:
(1) Xe ô tô gồm:
- Xe có từ bốn bánh trở lên chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, không chạy trên đường ray, dùng để chở người, hàng hóa, kéo rơ moóc, kéo sơ mi rơ moóc hoặc được kết cấu để thực hiện chức năng, công dụng đặc biệt, có thể được nối với đường dây dẫn điện;
- Xe ba bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400 kg;
- Xe ô tô không bao gồm xe chở người bốn bánh có gắn động cơ
- Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ;
(2) Rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, được kéo bởi xe ô tô; phần chủ yếu của khối lượng toàn bộ rơ moóc không đặt lên xe kéo;
(3) Sơ mi rơ moóc là xe không có động cơ để di chuyển, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ; được kéo bởi xe ô tô đầu kéo và có một phần đáng kể khối lượng toàn bộ đặt lên xe ô tô đầu kéo;
(4) Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở người, vận tốc thiết kế không lớn hơn 30 km/h, số người cho phép chở tối đa 15 người (không kể người lái xe);
(5) Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ là xe có từ bốn bánh trở lên, chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có kết cấu để chở hàng, có phần động cơ và thùng hàng lắp trên cùng một khung xe, có tối đa hai hàng ghế và chở tối đa 05 người (không kể người lái xe), vận tốc thiết kế không lớn hơn 60 km/h và khối lượng bản thân không lớn hơn 550 kg;
Trường hợp xe sử dụng động cơ điện thì có công suất động cơ không lớn hơn 15 kW;
(6) Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg;
(7) Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h;
Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3;
Nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 04 kW;
Xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy;
(8) Xe tương tự các loại xe nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.