Hướng dẫn số 12 sinh hoạt chi bộ mới nhất hiện nay?
Hướng dẫn số 12 sinh hoạt chi bộ mới nhất hiện nay?
Ngày 06/07/2018, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Mục đích, yêu cầu của Hướng dẫn số 12 sinh hoạt chi bộ như sau:
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, bí thư chi bộ và đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, khóa 12 trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương về sinh hoạt chi bộ; tăng cường lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ.
- Chi ủy phải chuẩn bị tốt và thường xuyên đổi mới nội dung sinh hoạt bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của cấp trên, phù hợp với tình hình, đặc điểm của chi bộ; nâng cao hiệu quả lãnh đạo thực hiện nghị quyết của chi bộ.
Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bí thư chi bộ phải nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ, giữ gìn đoàn kết thống nhất, tình yêu thương đồng chí, tích cực tham gia đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt và thực hiện tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công.
Hướng dẫn số 12 sinh hoạt chi bộ mới nhất hiện nay? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ như thế nào?
Theo Tiểu mục 1 Mục 2 Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 thì công tác chuẩn bị sinh hoạt chi bộ như sau:
(1) Đối với sinh hoạt thường kỳ
- Bí thư hoặc phó bí thư chi bộ chuẩn bị nội dung sinh hoạt, dự thảo nghị quyết (nếu có) hoặc dự kiến nội dung kết luận của buổi sinh hoạt.
- Họp chi ủy (bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy) để thống nhất nội dung sinh hoạt, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo của chi bộ trong tháng, dự kiến nhiệm vụ của tháng tiếp theo;
+ Xác định những nội dung trọng tâm cần trao đổi, thảo luận, biểu quyết tại chi bộ;
+ Cho ý kiến về dự thảo nghị quyết (nếu có).
- Thông báo thời gian, địa điểm, nội dung sinh hoạt chi bộ đến đảng viên và cấp ủy viên cấp trên được phân công theo dõi chi bộ.
Chi bộ có điều kiện gửi trước tài liệu sinh hoạt cho đảng viên để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến.
(2) Đối với sinh hoạt chuyên đề
- Hằng năm, chi bộ xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề để tổ chức thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.
- Chi bộ phân công đảng viên có khả năng biên tập, am hiểu nội dung liên quan đến chuyên đề để chuẩn bị bằng văn bản. Đối với chi bộ do điều kiện khó khăn không thể chuẩn bị chuyên đề sinh hoạt bằng văn bản, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn cách thức sinh hoạt nhưng phải bảo đảm chất lượng.
- Bí thư chi bộ trao đổi về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp thực hiện chuyên đề với đảng viên được phân công. Dự thảo chuyên đề phải được chi ủy hoặc bí thư chi bộ thông qua và gửi cho đảng viên trước khi tổ chức sinh hoạt.
Các bước sinh hoạt chi bộ được thực hiện như thế nào?
Theo tiểu mục 1 Mục 2 Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2018 quy định các bước sinh hoạt chi bộ như sau:
Bước 1: Mở đầu
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu (nếu có).
- Cử thư ký ghi biên bản sinh hoạt chi bộ.
- Thông báo tình hình đảng viên: Số đảng viên có mặt, vắng mặt (có lý do, không có lý do).
- Thông qua nội dung, chương trình sinh hoạt chi bộ.
Bước 2: Tiến hành sinh hoạt
(*) Đối với sinh hoạt thường kỳ
- Bí thư chi bộ báo cáo nội dung sinh hoạt đã được chi ủy chuẩn bị và gợi ý thảo luận.
- Đảng viên phát biểu ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận nội dung trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động của chi bộ; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; góp ý, phê bình đối với đảng viên trong chi bộ.
- Bí thư chi bộ cung cấp thông tin và định hướng để làm rõ những vấn đề đảng viên quan tâm, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.
(*) Đối với sinh hoạt chuyên đề
- Bí thư chi bộ nêu mục đích, yêu cầu buổi sinh hoạt chuyên đề.
- Đảng viên được phân công chuẩn bị, trình bày dự thảo chuyên đề.
- Các đảng viên phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân; liên hệ với chi bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương; trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuyên đề.
- Đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề tiếp thu ý kiến tham gia để hoàn thiện. Chuyên đề sau khi hoàn thiện phải gửi đảng viên trong chi bộ (chi bộ đông đảng viên có thể gửi tới tổ đảng) để nghiên cứu, học tập và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp.
Bước 3: Kết thúc
(*) Đối với sinh hoạt thường kỳ
Bí thư chi bộ thực hiện các nội dung chủ yếu sau:
- Tổng hợp các ý kiến phát biểu tại buổi sinh hoạt; những ý kiến tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện nội dung sinh hoạt chi bộ; phân công nhiệm vụ cho đảng viên và quy định thời gian hoàn thành.
- Định hướng tư tưởng đối với đảng viên; giải quyết hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên.
- Thông qua nghị quyết hoặc kết luận.
- Đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt.
- Thư ký trình bày biên bản sinh hoạt chi bộ.
(*) Đối với sinh hoạt chuyên đề
Bí thư chi bộ đánh giá việc chuẩn bị, chất lượng của chuyên đề; ý nghĩa, tác dụng của chuyên đề đối với chi bộ, đảng viên. Kết luận các nội dung cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo chuyên đề.
Không tổ chức sinh hoạt chuyên môn lồng ghép với sinh hoạt chi bộ. Việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề không thay thế sinh hoạt chi bộ thường kỳ; nếu chi bộ khó khăn về thời gian, địa điểm có thể kết hợp sinh hoạt chuyên đề với sinh hoạt chi bộ thường kỳ trong cùng một buổi, nhưng phải thực hiện lần lượt, sinh hoạt thường kỳ xong mới sinh hoạt chuyên đề hoặc ngược lại.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Sinh hoạt đảng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?