Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là gì? Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản nào?
Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là gì?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về giải thích kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
[...]
3. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thu thập, đánh giá, nhận diện và thể hiện thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể một cách có hệ thống.
[...]
Như vậy, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là hoạt động thu thập, đánh giá, nhận diện và thể hiện thông tin về các di sản văn hóa phi vật thể một cách có hệ thống.
Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể là gì? Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản nào? (Hình từ Internet)
Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể được thực hiện đối với 07 loại hình di sản cụ thể như sau:
- Tiếng nói chữ viết gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua ngôn ngữ, ký tự để truyền đạt thông tin, trao truyền kiến thức, ký ức và các giá trị văn hóa, xã hội của cộng đồng;
- Ngữ văn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện bằng những tác phẩm do cộng đồng sáng tạo, thực hành gồm các câu chuyện, truyền thuyết, giai thoại, sử thi, truyện ngụ ngôn, truyện cười, tiếu lâm, ca dao, tục ngữ và các bài hát dân ca, hò vè, câu đố và những biểu đạt văn hóa tương đồng khác được truyền miệng qua nhiều thế hệ, phản ánh văn hóa, tập quán, tín ngưỡng và nhận thức của cộng đồng nhằm phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng;
- Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được thể hiện thông qua các hình thức diễn xướng do cộng đồng sáng tạo và thực hành gồm âm nhạc, hát, múa, trò diễn và các hình thức trình diễn khác, xuất phát từ đời sống văn hóa, tâm linh, lao động sản xuất của cộng đồng và phục vụ trực tiếp cho nhu cầu thể hiện và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng;
- Tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng, được cộng đồng thực hành thông qua các hoạt động thường xuyên mang tính nghi lễ, cách thức thể hiện niềm tin hoặc mong muốn của cá nhân, cộng đồng gắn với các sự kiện quan trọng, nhận thức về thế giới, lịch sử và ký ức;
- Lễ hội truyền thống gồm tập hợp nhiều biểu đạt văn hóa mang tính nghi lễ do cộng đồng sáng tạo, thực hành; được cộng đồng thực hành theo chu kỳ tại không gian văn hóa liên quan để thực hiện các chức năng: nhận thức về tự nhiên và xã hội, giáo dục nhân cách, điều chỉnh hành vi ứng xử, giao tiếp giữa con người với tự nhiên và với con người, giải trí cộng đồng và bảo đảm tính kế tục của lịch sử;
- Nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thể hiện thông qua việc thực hành, sáng tạo của nghệ nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa cộng đồng;
- Tri thức dân gian gồm các biểu đạt văn hóa của cộng đồng được hình thành từ mối quan hệ qua lại trong lịch sử giữa cộng đồng với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội để thích ứng, tồn tại và thể hiện thông qua các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng ứng xử linh hoạt, hài hòa với tự nhiên và xã hội.
Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm những nội dung nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể gồm những nội dung như sau:
- Nhận diện và xác định tên gọi của di sản;
- Nhận diện và xác định loại hình di sản;
- Xác định địa danh, phạm vi phân bố của di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể tồn tại ở nhiều địa điểm trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì xác định cụ thể đến cấp phường, xã, thị trấn;
- Nhận diện và xác định chủ thể di sản:
+ Đối với chủ thể di sản là một cá nhân: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản.
+ Đối với chủ thể di sản là cộng đồng, nhóm người: xác định họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản của những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó.
- Nhận diện quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể; các hình thức biểu hiện, biểu đạt, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể;
- Nhận diện và xác định hiện trạng thực hành di sản, khả năng duy trì, các yếu tố tác động tới sự tồn tại của di sản, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hóa phi vật thể;
- Nhận diện, xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;
- Đề xuất biện pháp bảo vệ;
- Lập thư mục tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác;
- Các quy định khác của pháp luật liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?