Người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý như thế nào?
- Người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý như thế nào?
- Cá nhân sử dụng thông tin bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin bị phạt bao nhiêu tiền?
- Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện chung gì?
Người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ như sau:
Điều 4. Bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ
[...]
3. Khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
a) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 của Bộ luật Lao động;
b) Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
4. Đối với bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thuộc danh mục bí mật nhà nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Như vậy, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên và xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Người lao động có hành vi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
Cá nhân sử dụng thông tin bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ theo Điều 16 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh phạt vi phạm hành chính như sau:
Điều 16. Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh
1. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;
b) Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 4. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh
[...]
7. Mức phạt tiền tối đa quy định tại Chương II Nghị định này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.
8. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
[...]
Như vậy, theo quy định nêu trên, cá nhân sử dụng thông tin bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin bị phạt từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh và tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện chung gì?
Căn cứ theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ như sau:
Điều 84. Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Như vậy, bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
- Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
- Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?