Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?

Mức giảm trừ gia cảnh 2024? Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh? Người nộp thuế có chung người phụ thuộc thì đăng ký giảm trừ gia cảnh thế nào?

Mức giảm trừ gia cảnh 2024 là bao nhiêu?

Căn cứ quy định khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định mức giảm trừ gia cảnh 2024 như sau:

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);

- Mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?

Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh? (Hình từ Internet)

Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?

Ngày 29/10/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 11631/BTC-CST ngày 29/10/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tải về

Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri TPHCM tại Báo cáo 514/BC-ĐĐBQH ngày 10/10/2024 về tổng hợp kiến nghị của cử tri TPHCM trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, nội dung kiến nghị của cử tri TPHCM:

...

Cử tri kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp tình hình kinh tế xã hội hiện nay.

Bộ Tài chính trả lời nội dung kiến nghị này như sau:

Theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định... số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Luật thuế TNCN (áp dụng từ 01/01/2009) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN.

Quy định về giảm trừ trước khi tính thuế đảm bảo nguyên tắc cá nhân cần phải có một mức thu nhập nhất định nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như: ăn, ở, đi lại, học tập, khám chữa bệnh..., vì thế, thu nhập trên ngưỡng này mới phải nộp thuế. Việc áp dụng các khoản giảm trừ còn hướng tới mục tiêu loại trừ các đối tượng có thu nhập thấp ra khỏi diện phải nộp thuế TNCN. Mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế TNCN là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì Luật thuế TNCN đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.

Theo đó, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định.

Theo Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng từ 0,5 đến 1 lần); đồng thời cũng cao hơn mức thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất. Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc cũng gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.

Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế hiện nay là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì cũng chưa phải nộp thuế TNCN.

Tại khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định: "Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì chỉ số CPI năm 2020 tăng 3,23%, CPI năm 2021 tăng 1,84%, CPI năm 2022 tăng 3,15% và CPI năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020), do đó, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Thuế TNCN điều tiết vào thu nhập của cá nhân. Việc thực hiện chính sách thuế TNCN có vai trò rất quan trọng để triển khai chính sách phân phối lại. Cùng với các nguồn thu khác, nguồn thu từ thuế TNCN đã tạo nên quỹ ngân sách nhà nước để đáp ứng rất nhiều các nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 2114/QĐ-TTg năm 2021 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật thuế TNCN (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế (dự kiến đăng ký Chương trình xây dựng Luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026).

Người nộp thuế có chung người phụ thuộc thì đăng ký giảm trừ gia cảnh như thế nào?

Tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC và được thực hiện bởi Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có quy định về người phụ thuộc như sau:

Điều 9. Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:
1. Giảm trừ gia cảnh
[...]
c) Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh
c.1) Giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế:
[....]
c.2) Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
[....]
c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.
[...]

Theo đó, trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc thì những người nộp thuế đó phải tự thỏa thuận với nhau về việc đăng ký giảm trừ gia cảnh cho 01 người nộp thuế.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Giảm trừ gia cảnh
Tạ Thị Thanh Thảo
339 lượt xem
Giảm trừ gia cảnh
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Giảm trừ gia cảnh
Hỏi đáp Pháp luật
Bộ Tài Chính lý giải vì sao chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh?
Hỏi đáp Pháp luật
Hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho anh chị em ruột năm 2024 gồm những giấy tờ gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Khi nào được giảm trừ gia cảnh cho bản thân? Nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc thì đăng ký giảm trừ gia cảnh như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách điền Bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mẫu 02-1/BK-QTT-TNCN Thông tư 80?
Hỏi đáp Pháp luật
Hướng dẫn cách đăng ký người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh năm 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Con học đại học ở nước ngoài có được giảm trừ gia cảnh không?
Hỏi đáp Pháp luật
Tải Mẫu 07/XN-NPT-TNCN phụ lục bảng kê khai người phải trực tiếp nuôi dưỡng mới nhất 2024?
Hỏi đáp Pháp luật
Năm 2024, bố mẹ bao nhiêu tuổi thì được giảm trừ gia cảnh?
Hỏi đáp Pháp luật
Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được tính từ khi nào? Những người nào được xem là người phụ thuộc?
Hỏi đáp Pháp luật
Cách xác định thời gian tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng từ đầu năm nhưng cuối năm mới đăng ký giảm trừ gia cảnh?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Giảm trừ gia cảnh có thể đặt câu hỏi tại đây.

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào