Chủ đầu tư có được quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai hay không?
Thiết kế xây dựng thực hiện mấy bước?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 78 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì thiết kế xây dựng có thể thực hiện theo trình tự một bước hoặc nhiều bước như sau:
- Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế hai bước bao gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế ba bước bao gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công;
- Thiết kế nhiều bước theo thông lệ quốc tế.
Trong đó:
- Thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
- Thiết kế kỹ thuật là thiết kế cụ thể hóa thiết kế cơ sở sau khi dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt nhằm thể hiện đầy đủ các giải pháp, thông số kỹ thuật và vật liệu sử dụng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là cơ sở để triển khai thiết kế bản vẽ thi công.
- Thiết kế bản vẽ thi công là thiết kế thể hiện đầy đủ các thông số kỹ thuật, vật liệu sử dụng và chi tiết cấu tạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, bảo đảm đủ điều kiện để triển khai thi công xây dựng công trình.
Người quyết định đầu tư sẽ quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.
(theo quy định tại Điều 3 Luật Xây dựng 2014)
Chủ đầu tư có được quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai hay không? (Hình từ Internet)
Sau khi thực hiện bước thiết kế cơ sở, có phát sinh yếu tố dẫn đến tăng chi phí thiết kế bước hai thì có được điều chỉnh dự toán hay không?
Căn cứ Điều 15 Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thì dự toán xây dựng công trình đã phê duyệt được điều chỉnh nếu thuộc trường hợp tại khoản 4 Điều 135 Luật Xây dựng 2014, (một số cụm từ này bị thay thế bởi điểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020)
- Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng 2014 (được bổ sung bởi khoản 18 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020), cụ thể:
+ Do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác;
+ Xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án mang lại;
+ Khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp tới dự án;
+ Khi chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá xây dựng được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt.
+ Khi điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án
- Được phép thay đổi, bổ sung thiết kế không trái với thiết kế cơ sở hoặc thay đổi cơ cấu chi phí dự toán xây dựng nhưng không vượt tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt;
Lưu ý: Việc điều chỉnh dự toán xây dựng công trình phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy, nếu yếu tố phát sinh thuộc các trường hợp nên trên thì mới được phép điều chỉnh dự toán thiết kế bước 2.
Chủ đầu tư có được quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai hay không?
Căn cứ khoản 3 Điều 15 Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định thì thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán xây dựng công trình điều chỉnh thực hiện theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại Nghị định quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Như vậy, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai sẽ được xác định theo quy định về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại Điều 39 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, Điều 40 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, cụ thể:
- Các cơ quan sau sẽ có thẩm quyền thẩm định điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai:
Thứ nhất, Cơ quan chuyên môn về xây dựng theo thẩm quyền quy định tại Điều 36 Nghị định 15/2021/NĐ-CP sẽ thực hiện việc thẩm định điều chỉnh dự toán đối với các trường hợp:
+ Điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực và biện pháp tổ chức thi công có ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình;
+ Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu điều chỉnh thiết kế cơ sở.
Thứ hai, đối với các trường hợp khác thì chủ đầu tư tự sẽ tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.
- Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai
Theo Điều 40 Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì chủ đầu tư sẽ là cơ quan phê duyệt điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở do đó chủ đầu tư cũng sẽ là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự toán thiết kế bước hai
Trong trường hợp thực hiện quản lý dự án theo hình thức Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực hoặc Ban quản lý dự án một dự án, Chủ đầu tư được ủy quyền cho Ban quản lý dự án trực thuộc phê duyệt.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?