Hành vi thách cưới quá cao bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Đòi tiền thách cưới quá cao có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ tại khoản 12 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
[...]
12. Yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.
[...]
Căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
[...]
2. Cấm các hành vi sau đây:
[...]
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
Căn cứ tại Tiểu mục 4 Mục 2 Phụ lục Danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng ban hành kèm theo Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định như sau:
II. CÁC TẬP QUÁN LẠC HẬU VỀ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CẤM ÁP DỤNG
1. Chế độ hôn nhân đa thê.
2. Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời.
3. Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ.
4. Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới).
[...]
Hiện nay Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chưa có định nghĩa cụ thể về tiền thách cưới. Tuy nhiên, có thể hiểu tiền thách cưới là yêu cầu đối phương chuẩn bị các món sính lễ, bao gồm: trà rượu, trầu cau, bánh trái, heo gà, trang phục, trang sức cho cô dâu và tiền mặt.
Theo đó, thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới) là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.
Như vậy, việc nhà gái đòi tiền thách cưới quá cao được xem là yêu sách của cải trong kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Hành vi thách cưới quá cao bị xử phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Hành vi thách cưới quá cao bị xử phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
[...]
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Điều 4. Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
[...]
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
[...]
Như vậy, cá nhân có hành vi thách cưới quá cao bị xử phạt vi phạm hành chính cụ thể là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Hành vi thách cưới quá cao có thể bị phạt tù bao nhiêu năm?
Căn cứ theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện như sau:
Điều 181. Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Theo đó, người nào cản trở người khác kết hôn bằng yêu sách của cải đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Như vậy, hành vi thách cưới quá cao có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt là bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?