Chế độ của bí thư đoàn tại trường trung học mới nhất năm 2024?
Bí thư đoàn tại trường trung học là cán bộ đoàn đúng không?
Theo Điều 1 Quy chế cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định 289/QĐ-TW năm 2010 quy định như sau:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng cho những đối tượng sau đây thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt là cán bộ đoàn):
1- Những người giữ chức danh bí thư chi đoàn, phó bí thư, bí thư đoàn cấp cơ sở trở lên.
2- Những người làm việc trong các cơ quan chuyên trách của Đoàn và trực tiếp làm công tác đoàn, hội, đội, phong trào thanh thiếu nhi từ cấp huyện và tương đương trở lên.
3- Trợ lý thanh niên, cán bộ ban thanh niên trong Quân đội nhân dân; uỷ viên ban công tác thanh niên các cấp trong Công an nhân dân.
Theo đó, bí thư đoàn cấp cơ sở trở lên tại trường trung học là cán bộ Đoàn.
Chế độ của bí thư đoàn tại trường trung học mới nhất năm 2024? (Hình từ Internet)
Chế độ của bí thư đoàn tại trường trung học mới nhất năm 2024?
Căn cứ Quyết định 13/2013/QĐ-TTg năm 2013 quy định về chế độ của bí thư đoàn tại trường trung học như sau:
(A) Chế độ chính sách đối với bí thư Đoàn là giáo viên và những người khác kiêm nhiệm công tác Đoàn, Hội
(1) Thời gian làm công tác Đoàn
* Đối với cấp trường có từ 5.000 đến dưới 10.000 học sinh:
Bí thư Đoàn cấp trường là giáo viên được dành 60% thời gian theo định mức giờ chuẩn giảng dạy để làm công tác Đoàn, Hội.
Những người không phải là giáo viên mà kiêm nhiệm Bí thư Đoàn cấp trường được dành 60% thời gian làm việc để làm công tác Đoàn, Hội.
* Đối với cấp trường có dưới 5.000 sinh viên, học sinh:
Bí thư Đoàn cấp trường là giáo viên được dành 50% thời gian theo định mức giờ chuẩn giảng dạy để làm công tác Đoàn, Hội.
Những người không phải là giáo viên mà kiêm nhiệm Bí thư Đoàn hoặc Trợ lý Thanh niên cấp trường được dành 50% thời gian làm việc để làm công tác Đoàn, Hội.
* Đối với Liên chi đoàn thuộc Đoàn cấp trường có từ 1.000 sinh viên, học sinh trở lên:
Bí thư Liên chi đoàn là giáo viên được dành 40% thời gian theo định mức giờ chuẩn giảng dạy để làm công tác Đoàn, Hội. Bí thư Liên chi đoàn không phải là giảng viên, giáo viên được dành 40% thời gian làm việc để làm công tác Đoàn, Hội.
* Đối với các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên:
- Bí thư Đoàn các trường từ 28 lớp trở lên được dành 85% thời gian theo định mức giờ chuẩn giảng dạy/tuần để làm công tác Đoàn, Hội;
- Bí thư Đoàn các trường dưới 28 lớp được dành 70% thời gian theo định mức giờ chuẩn giảng dạy/tuần để làm công tác Đoàn, Hội;
(2) Chế độ phụ cấp
* Đối với các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm giáo dục thường xuyên:
- Bí thư Đoàn được hưởng phụ cấp như Tổ trưởng chuyên môn;
- Trường hợp bí thư Đoàn, Hội làgiáo viên hoặc không phải là giáo viên giữ chức vụ có phụ cấp tương đương hoặc cao hơn phụ cấp Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Phó Trưởng bộ môn, Tổ trưởng chuyên môn, Phó Tổ trưởng chuyên môn thì được hưởng mức phụ cấp cao nhất.
Phụ cấp đối với cán bộ Đoàn, Hội được trả cùng kỳ lương hàng tháng.
(B) Chế độ, chính sách đối với Bí thư Đoàn là học sinh, sinh viên
- Được ưu tiên cộng điểm đánh giá kết quả rèn luyện theo Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện học sinh, sinh viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Được ưu tiên xét cấp học bổng, giới thiệu việc làm và hỗ trợ thêm về điều kiện làm việc, học tập theo khả năng, tình hình thực tế của từng trường.
- Hàng năm, bí thư đoàn là học sinh, sinh viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tuyên dương, khen thưởng. Kinh phí tổ chức tuyên dương, khen thưởng cán bộ Đoàn, Hội được bố trí trong tổng kinh phí hàng năm cấp cho tổ chức Đoàn, Hội.
- Bí thư đoàn là học sinh, sinh viên được hỗ trợ hoạt động phí hàng tháng hoặc theo năm học. Căn cứ điều kiện cụ thể, nhà trường quy định mức hỗ trợ hoạt động phí đối với từng chức danh cán bộ Đoàn, Hội.
(C) Các chế độ, chính sách khác
- Bí thư đoàn được tạo điều kiện về thời gian, được thanh toán công tác phí khi tham gia hoạt động Đoàn, Hội do cấp trên triệu tập theo quy định của pháp luật hiện hành;
Được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được ưu tiên bố trí chỗ ở ký túc xá; được hưởng phúc lợi xã hội như cán bộ quản lý cùng cấp.
- Bí thư đoàn có thời gian công tác Đoàn, Hội từ 03 năm liên tục trở lên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khi thi tuyển công chức, thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức được ưu tiên xem xét tuyển dụng.
- Bí thư đoàn từ cấp cơ sở trở lên nếu đủ tiêu chuẩn được đưa vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo của nhà trường.
Đối với bí thư đoàn chủ chốt hoàn thành nhiệm vụ, khi hết tuổi công tác Đoàn, Hội, nhà trường có trách nhiệm luân chuyển sang vị trí tương đương, phù hợp với chuyên môn, có điều kiện để phát triển.
Đối với cán bộ chuyên trách công tác Đoàn, Hội khi hết tuổi làm bí thư đoàn, nhà trường có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp.
- Chế độ, chính sách đối với các chức danh khác của bí thư đoàn được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường, nhưng không cao hơn định mức dành cho cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt được quy định.
- Nhà trường có trách nhiệm bố trí phòng làm việc và cơ sở vật chất phù hợp, bảo đảm cho tổ chức Đoàn, Hội hoạt động hiệu quả.
Trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như thế nào?
Theo Điều 6 Quyết định 13/2013/QĐ-TTg năm 2013 quy định trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh như sau:
- Tổ chức Đoàn, Hội trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề được nêu tại Quyết định 13/2013/QĐ-TTg năm 2013 hoạt động theo Điều lệ của tổ chức mình và quy định của pháp luật; có vai trò và vị trí quan trọng, không thể tách rời trong công tác giáo dục và đào tạo; có trách nhiệm góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục theo Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề.
- Tổ chức Đoàn, Hội được cử đại diện là cán bộ chủ chốt tham gia các Ban, Hội đồng liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên trẻ, giáo viên trẻ, cán bộ trẻ, sinh viên và học sinh; cán bộ trẻ, giảng viên trẻ có trách nhiệm tham gia công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh.
- Kinh phí hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề. Tổ chức Đoàn, Hội có trách nhiệm lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm để giám đốc (hoặc hiệu trưởng) phê duyệt.
Ngoài kinh phí được phân bổ hàng năm, khi được cấp ủy Đảng, tổ chức Đoàn, Hội cấp trên và nhà trường giao nhiệm vụ đột xuất thì tổ chức Đoàn, Hội được lập dự toán kinh phí để tổ chức thực hiện và được phê duyệt theo quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đoàn thanh niên có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự kiến khi nào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hoàn thành?
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng là gì? Gồm những dự án nào?
- Yêu cầu đối với các hoạt động khai thác cát sỏi trong hồ theo Nghị định 53?
- Doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi Chủ tịch HĐQT khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận phạt đến 180 triệu?
- 02 hình thức công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh dạy thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025?