Làm gì khi bị lừa đảo qua mạng? Hành vi lừa đảo qua mạng bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Làm gì khi bị lừa đảo qua mạng?
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến:
Theo cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến thì khi bị lừa đảo trực tuyến cần làm các việc sau:
(1) Hành động nhanh nếu đã bị lừa đảo:
Nếu bạn đã bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau:
- Đừng tiếp tục gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo.
- Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng và tổ chức tài chính của bạn để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)
(2) Nếu đã chuyển tiền cho một kẻ lừa đảo:
Nếu bạn đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo theo bất kỳ cách nào trong số này, đây sẽ là những việc cần làm:
- Thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ: Hãy liên hệ ngay với ngân hàng của bạn để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch.
- Thẻ quà tặng: Báo cáo cho công ty phát hành thẻ.
- Chuyển tiền ngân hàng: Báo cáo với công ty chuyển khoản ngân hàng hoặc ngân hàng mà bạn đang sử dụng.
- Ứng dụng chuyển tiền: Báo cáo với nhà cung cấp ứng dụng (người bán hoặc nhà phát triển, không phải cửa hàng ứng dụng).
- Tiền điện tử: Báo cáo cho nền tảng hoặc công ty bạn đã sử dụng để gửi tiền vì tiền điện tử không thể thu hồi được.
- Tiền mặt: Nếu bạn gửi qua thư hoặc chuyển phát, hãy liên hệ với Bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát đã sử dụng để xem liệu họ có thể chặn gói hàng hay không.
- Chuyển khoản trái phép: Nếu một kẻ lừa đảo đã chuyển tiền mà không có sự chấp thuận của bạn, hãy báo ngay cho ngân hàng của bạn để yêu cầu đóng băng tài khoản và giao dịch của bạn.
- Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
- Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn)
(3) Nếu một kẻ lừa đảo có thông tin cá nhân của bạn:
Nếu thông tin cá nhân của bạn (tên, số điện thoại, email, địa chỉ, giấy tờ tùy thân) đã bị rò rỉ do vi phạm dữ liệu. Đây là những việc cần làm:
- Báo cáo vi phạm dữ liệu cho các tổ chức tài chính của bạn.
- Tạo một mật khẩu mới mạnh hơn: Đảm bảo rằng bạn chưa từng sử dụng mật khẩu đó trước đây. Nếu bạn đã sử dụng mật khẩu bị rò rỉ ở bất kỳ nơi nào khác, hãy thay đổi mật khẩu ở đó.
- Coi chừng liên lạc đáng ngờ: Chặn hoặc không trả lời bất kỳ ai mà bạn không biết và không nhấp vào bất kỳ liên kết đáng nghi nào.
- Theo dõi chặt chẽ tài khoản ngân hàng của bạn.
(4) Nếu kẻ lừa đảo đã truy cập vào máy tính hoặc điện thoại của bạn:
Một kẻ lừa đảo giả vờ là người từ nhà cung cấp Internet hoặc điện thoại của bạn. Họ nói rằng bạn gặp sự cố kỹ thuật và yêu cầu quyền truy cập vào thiết bị của bạn. Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ lây nhiễm vi-rút vào đó để đánh cắp mật khẩu và thông tin tài chính của bạn. Đây là những việc cần làm:
- Nếu những kẻ lừa đảo truy cập vào máy tính của bạn: Hãy cập nhật phần mềm bảo mật và quét vi-rút. Xóa mọi thứ được xác định là có vấn đề và đặt lại mật khẩu của bạn.
- Nếu những kẻ lừa đảo truy cập vào điện thoại của bạn: Hãy báo cáo với nhà cung cấp dịch vụ điện thoại của bạn. Cập nhật phần mềm bảo mật và quét vi-rút. Thay đổi mật khẩu hoặc mã pin của bạn, chặn các cuộc gọi lừa đảo và xem xét thay đổi số điện thoại của mình.
Bạn cũng có thể nhờ chuyên gia công nghệ thông tin kiểm tra trực tiếp thiết bị của mình
(5) Liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin:
(1) Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an; hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công An.
Tại mỗi địa phương, liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05).
(2) Cục An toàn thông tin (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục An toàn thông tin là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; email aisamic.gov.vn.
(3) Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Bên cạnh đó Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại 63 tỉnh/thành phố là cánh tay nối dài của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố.
(4) Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), số điện thoại: 024 62901028; email [email protected].
(5) Các doanh nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam: Bkav, VNPT Cyber Immunity, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS, HPT, MISOFT và VNCS...
(6) Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì điều phối cùng 8 đơn vị sáng lập VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok và Cốc Cốc.
Làm gì khi bị lừa đảo qua mạng? Hành vi lừa đảo qua mạng bị xử phạt hành chính bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Hành vi lừa đảo qua mạng bị xử phạt hành chính bao nhiêu?
Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi lừa đảo qua mạng bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng về hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.
Trường hợp tổ chức thực hiện hành vi trên thì bị phạt từ 04 - 06 triệu đồng theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Lừa đảo qua mạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định lừa đảo qua mạng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
- Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
+ Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
- Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với một trong các trường hợp:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô từ 01/01/2025?
- Bộ Đề thi Tiếng việt lớp 5 cuối học kì 1 có đáp án năm 2024-2025?
- Lịch nghỉ Tết Dương lịch 2025 ngân hàng?
- Kỹ thuật y làm việc tại các bệnh viện công lập thì có phải thực hành khám chữa bệnh hay không?
- Bị cho nghỉ cuối năm vì khó khăn kinh tế, NLĐ có được hưởng trợ cấp mất việc không?