Hành hạ người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? Các yếu tố nào cấu thành tội hành hạ người khác?
Hành hạ người khác bị phạt bao nhiêu năm tù?
Căn cứ Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội hành hạ người khác:
Điều 140. Tội hành hạ người khác
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên
c) Đối với 02 người trở lên.
Theo quy định trên, người nào có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội hành hạ người khác.
Người phạm tội hành hạ người khác bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm tùy theo mức độ vi phạm.
Hành hạ người khác bị phạt bao nhiêu năm tù? Các yếu tố nào cấu thành tội hành hạ người khác? (Hình từ Internet)
Các yếu tố nào cấu thành tội hành hạ người khác theo Bộ luật Hình sự?
Tội hành hạ người khác được quy định là một tội độc lập tại Bộ luật Hình sự 2015 thuộc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.
Như vậy, để cấu thành tội hành hạ người khác thì phải đủ các yếu tố sau:
[1] Chủ thể
Căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự:
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Như vậy, chủ thể tội hành hạ người khác là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự và phải có mối quan hệ lệ thuộc với nạn nhân.
[2] Khách thể
Khách thể của tội hành hạ người khác là hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân liên quan đến quyền được bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm và sự tôn trọng về cơ thể.
[3] Khách quan
Mặt khách quan của tội hành hạ người khác như sau:
- Về hành vi phạm tội: Có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình (lệ thuộc vào người có hành vi phạm tội), cụ thể là:
Đối xử tàn ác là hành vi gây tổn thương về thể chất, tinh thần hoặc cảm xúc cho người khác hoặc động vật. Những hành vi này có thể bao gồm:
+ Bạo lực thể chất: Đánh đập, tra tấn, hoặc hành hạ người khác hoặc động vật một cách tàn nhẫn.
+ Bạo lực tinh thần: Lăng mạ, chửi bới, đe dọa hoặc gây áp lực tâm lý nặng nề lên người khác.
+ Bỏ bê hoặc ngược đãi: Không cung cấp các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước uống, chăm sóc y tế
Tuy nhiên việc đối xử tàn ác phải chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ. Việc đối xử tàn ác thông thường phải lặp đi lặp lại và kéo dài trong một thời gian nhất định.
- Dấu hiệu khác: Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc đối với người phạm tội
Người bị hại phải không có mối quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ gia đình như vợ, chồng, ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng đối với người phạm tội.
Trường hợp người bị hại có mối quan hệ hôn nhân hoặc gia đình đối vối người phạm tội thì cấu thành tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự 2015).
[4] Chủ quan
Mặt chủ quan tội hành hạ người khác là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi có phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tội hành hạ người khác không?
Căn cứ Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm b khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
Điều 52. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Phạm tội có tính chất côn đồ;
đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;
e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;
g) Phạm tội 02 lần trở lên;
h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;
i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;
k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;
l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;
m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;
n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;
o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;
p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.
2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
Theo quy định trên, phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, đối với tội hành hạ người khác thì phạm tội đối với người dưới 16 tuổi là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt vì vậy không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP, dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước có những mức độ nào?
- Quy định về mặc Tiểu lễ phục mùa đông trong Quân đội mới nhất 2024?
- Từ ngày 01/01/2025, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được cấp biển số xe và đăng ký tạm thời trong các trường hợp nào?
- 30 tháng 11 năm 2024 là ngày mấy âm lịch? Người lao động được nghỉ làm ngày 30/11/2024 không?