Tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP Hà Nội từ ngày 01/01/2025?
Tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP Hà Nội từ ngày 01/01/2025?
Tại Điều 27 Luật Thủ đô 2024 có quy định về mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, cận nghèo tại Hà Nội như sau:
Điều 27. Chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội
1. Xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô bảo đảm đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, trợ giúp xã hội, trợ giúp pháp lý, nước sạch, nhà ở xã hội, tiếp cận thông tin.
2. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định các chính sách xã hội sau đây:
a) Bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội;
b) Hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp trong trường hợp không bố trí được đất sản xuất.
3. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sau đây:
a) Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo mức 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu là 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu là 20% đối với các đối tượng khác;
b) Hỗ trợ 100% tiền đóng bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên; hỗ trợ đối với các đối tượng khác theo mức cao hơn mức quy định hoặc cho đối tượng chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;
c) Hỗ trợ thực hiện chương trình khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi trên địa bàn Thành phố. Kinh phí thực hiện việc khám sức khỏe được bảo đảm thực hiện từ ngân sách Thành phố, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp.
4. Hội đồng nhân dân Thành phố quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thành phố; từng bước mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng và bố trí ngân sách phù hợp với điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối của ngân sách Thành phố để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
Theo đó, hiện hành tại Mục 3 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND TP Hà Nội, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ là:
- Hỗ trợ thêm 30% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo.
- Hỗ trợ thêm 25% mức đóng BHXH tự nguyện đối với người thuộc hộ cận nghèo.
- Hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHXH tự nguyện đối với các đối tượng khác.
Tuy nhiên kể từ ngày 01/01/2025 (ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực thi hành) thì hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP Hà Nội sẽ được hỗ trợ tiền đóng BHXH với mức hỗ trợ như sau:
- Đối với hộ nghèo: Hỗ trợ theo mức 100%
- Đối với hộ cận nghèo: Hỗ trợ tối thiểu là 60%;
- Đối với đối tượng khác: Hỗ trợ tối thiểu là 20%.
Tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại TP Hà Nội từ ngày 01/01/2025? (Hình từ Internet)
Từ ngày 01/7/2025, BHXH tự nguyện có các chế độ nào?
Tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định về các chế độ BHXH tự nguyện như sau:
Điều 4. Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội
1. Trợ cấp hưu trí xã hội có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng;
b) Hỗ trợ chi phí mai táng;
c) Hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
a) Ốm đau;
b) Thai sản;
c) Hưu trí;
d) Tử tuất;
đ) Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp thai sản;
b) Hưu trí;
c) Tử tuất;
d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
4. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng các chế độ bao gồm:
- Trợ cấp thai sản;
- Hưu trí;
- Tử tuất;
- Bảo hiểm tai nạn lao động.
Đối tượng nào được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định đối tượng đươc tham gia BHXH tự nguyện bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;
- Đối tượng sau đây đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này là:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
+ Cán bộ, công chức, viên chức.
Lưu ý: Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Báo cáo thành tích cá nhân của Phó hiệu trưởng mới nhất năm 2024?
- Hướng dẫn xóa thí sinh khỏi danh sách Vòng 6 Trạng Nguyên Tiếng Việt tại quantri.trangnguyen.edu.vn?
- Tháng 10 âm lịch 2024 kết thúc vào ngày nào? Tháng 10 âm lịch 2024 là tháng con gì? Tháng 10 âm lịch năm 2024 có sự kiện gì?
- Cách viết trách nhiệm của cá nhân đối với những hạn chế, khuyết điểm của tập thể trong bản kiểm điểm đảng viên cuối năm 2024?
- Giám đốc BHXH cấp tỉnh có quyền xử phạt hành vi cho mượn thẻ bảo hiểm y tế không?