Hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động tiếp thị liên kết trên sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2024?
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phải đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân không?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 quy định về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân như sau:
Điều 2. Đối tượng nộp thuế
1. Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
...
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi các Luật về thuế 2014 cũng quy định về thu nhập chịu thuế như sau:
Điều 3. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:
1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:
a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
Thu nhập từ kinh doanh quy định tại khoản này không bao gồm thu nhập của cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống.
Như vậy, các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động tiếp thị liên kết trên sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2024? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động tiếp thị liên kết trên sàn giao dịch thương mại điện tử năm 2024?
Theo Công văn 1241/CTCBA-TTHT năm 2024 của Cục Thuế tỉnh Cao Bằng hướng dẫn về việc tuyên truyền về thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động tiếp thị liên kết trên sàn giao dịch thương mại điện tử Tải về như sau:
(1) Người làm tiếp thị liên kết không đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân theo thu nhập từ tiền lương, tiền công:
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP:
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động gồm có tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: Tiền hoa hồng môi giới, tiền tham gia đề tài, dự án, tiền nhuận bút và các khoản tiền hoa hồng, thù lao khác.
Do đó, việc cá nhân làm tiếp thị liên kết trên các sàn TMĐT nhận tiền hoa hồng thì phải nộp thuế TNCN theo quy định của pháp luật.
- Đối với cá nhân không cư trú:
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho cá nhân làm tiếp thị liên kết có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN trước khi trả thu nhập cho cá nhân, số thuế khấu trừ được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
- Đối với cá nhân cư trú:
+ Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng:
Khi tổ chức, cá nhân chi trả tiền hoa hồng môi giới cho cá nhân làm tiếp thị liên kết có mức trả thu nhập từ 2 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân (theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.
+ Trường hợp cá nhân cư trú ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên:
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế của cá nhân làm tiếp thị liên kết theo Biểu thuế lũy tiến từng phần với thuế suất từ 5% đến 35%, kể cả trường hợp cá nhân ký hợp đồng từ ba (03) tháng trở lên tại nhiều nơi.
Trong trường hợp này, thu nhập chịu thuế được tính các khoản giảm trừ theo quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, mức giảm trừ gia cảnh thực hiện theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14.
(2) Người làm tiếp thị liên kết đăng ký hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ thuộc diện nộp thuế đối với thu nhập từ kinh doanh:
- Nguyên tắc tính thuế:
Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định như sau:
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng trở lên thì thuộc trường hợp phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
+ Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên để xác định cá nhân phải nộp thuế GTGT, thuế TNCN được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.
- Căn cứ tính thuế:
Theo Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Doanh thu tính thuế GTGT và thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền hoa hồng phát sinh trong kỳ tính thuế, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, cụ thể: tỷ lệ % thuế GTGT là 5%, thuế TNCN là 2 %.
Xác định số thuế thu nhập cá nhân được giảm thế nào?
Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định cho người nộp thuế được xét giảm thuế thu nhập cá nhân khi gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế.
Trong đó, cách xác định số thuế thu nhập cá nhân được giảm như sau:
- Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.
- Số thuế phải nộp làm căn cứ xét giảm thuế là tổng số thuế thu nhập cá nhân mà người nộp thuế phải nộp trong năm tính thuế, bao gồm:
+ Thuế thu nhập cá nhân đã nộp hoặc đã khấu trừ đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, thu nhập từ trúng thưởng, thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ nhượng quyền thương mại, thu nhập từ thừa kế; thu nhập từ quà tặng.
+ Thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công.
+ Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm (nếu có) hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).
- Số thuế giảm được xác định như sau:
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng mức độ thiệt hại.
+ Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm bằng số thuế phải nộp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thương mại điện tử có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?
- Những người nào có thể đăng ký thường trú cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp?
- 8 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?