Người nghỉ việc để điều trị, phục hồi sau tai nạn lao động được trả bao nhiêu % lương?
Tai nạn lao động là gì? Có mấy loại tai nạn lao động?
Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
[...]
8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
[...]
Và theo khoản Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định về phân loại tai nạn lao động như sau:
Điều 9. Phân loại tai nạn lao động
1. Tai nạn lao động làm chết người lao động (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động chết người) là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chết tại nơi xảy ra tai nạn;
b) Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu;
c) Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y;
d) Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
2. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nặng) là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ (sau đây gọi tắt là tai nạn lao động nhẹ) là tai nạn lao động không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Theo đó tai nạn lao động là việc trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động thì người lạo động không may xảy ra tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong.
Và tai nạn lao động cũng được phân làm 3 loại cụ thể:
- Tai nạn lao động chết người;
- Tai nạn lao động nặng;
- Tai nạn lao động nhẹ.
Người nghỉ việc để điều trị, phục hồi sau tai nạn lao động được trả bao nhiêu % lương? (Hình từ Internet)
Người nghỉ việc để điều trị, phục hồi sau tai nạn lao động được trả bao nhiêu % lương?
Căn cứ theo khoản 3 và 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
[...]
3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
[...]
Như vậy, theo quy định pháp luật trên thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả đủ tiền lương trong thời gian phục hồi vì tai nạn lao động đối với người lao động nghỉ việc để phục hồi chức năng do tai nạn lao động.
Mức trợ cấp tai nạn lao động theo quy định pháp luật là bao nhiêu?
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức trợ cấp tai nạn lao động mà người lao động được người sử dụng lao động chi trả sẽ phụ thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động của người lao động. Cụ thể:
(1) Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động;
(2) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH:
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
- Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tai nạn lao động có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự kiến khi nào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hoàn thành?
- Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng là gì? Gồm những dự án nào?
- Yêu cầu đối với các hoạt động khai thác cát sỏi trong hồ theo Nghị định 53?
- Doanh nghiệp bảo hiểm thay đổi Chủ tịch HĐQT khi chưa được Bộ Tài chính chấp thuận phạt đến 180 triệu?
- 02 hình thức công khai mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh dạy thêm ngoài nhà trường từ 14/02/2025?