Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023-2028 Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam thông qua là gì?
Đâu là mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023-2028 được Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam thông qua?
Tại Tiểu mục 2 Mục 1 Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ 13 có quy định mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023-2028 được Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam thông qua như sau:
- Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
- Hoàn thành mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động tham gia công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt.
Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta.
Mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2023-2028 Đại hội 13 Công đoàn Việt Nam thông qua là gì? (Hình từ Internet)
Trình tự nội dung chính của đại hội công đoàn các cấp được tiến hành theo quy trình nào?
Tại Tiểu mục 6.7 Mục 6 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 có quy định trình tự nội dung chính của đại hội công đoàn các cấp được tiến hành theo quy trình sau:
- Chào cờ (Quốc ca và Bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam)
- Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu.
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc.
- Thông qua chương trình, quy chế làm việc của đại hội.
- Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu.
- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và phương hướng nhiệm kỳ tới.
- Thảo luận các văn kiện của đại hội.
- Phát biểu của đại diện công đoàn cấp trên, cấp ủy đảng, chính quyền, chuyên môn.
- Tổ chức bầu cử theo quy định.
- Thông qua nghị quyết đại hội.
- Diễn văn bế mạc
- Chào cờ.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan triệu tập và điều hành đại hội công đoàn là gì?
Tại Tiểu mục 6.8 Mục 6 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ năm 2020 có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan triệu tập và điều hành đại hội công đoàn như sau:
(1) Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội
- Chịu trách nhiệm xây dựng văn kiện, chương trình làm việc của đại hội; dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần và danh sách đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, trình đại hội thảo luận, thông qua bằng biểu quyết giơ tay theo đa số (có thể biểu quyết thông qua một lần cả danh sách hoặc biểu quyết thông qua từng người).
Trường hợp có đa số ý kiến không tán thành một hoặc một số thành viên được giới thiệu thì ban chấp hành cấp triệu tập đại hội trình lại dự kiến cơ cấu để xin ý kiến đại hội hoặc lấy ý kiến đại hội giới thiệu người khác bổ sung và đại hội thông qua bằng biểu quyết giơ tay.
- Xem xét, giải quyết và cung cấp hồ sơ đại biểu cho ban thẩm tra tư cách đại biểu, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu.
(2) Đoàn chủ tịch đại hội
- Đoàn chủ tịch đại hội là cơ quan điều hành các công việc của đại hội.
- Thành viên đoàn chủ tịch là đại biểu chính thức của đại hội. Trường hợp cần thiết có thể mời đại biểu khách mời tham gia đoàn chủ tịch với tư cách là thành viên danh dự. Số lượng thành viên danh dự tham gia đoàn chủ tịch đại hội không quá một phần năm (1/5) tổng số thành viên đoàn chủ tịch.
- Đoàn chủ tịch đại hội điều hành công việc của đại hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, có nhiệm vụ, quyền hạn:
+ Phân công thành viên điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua, chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết theo đa số.
+ Điều hành công tác nhân sự và tổ chức bầu cử ban chấp hành khóa mới, bầu cử đại biểu dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có).
+ Nhận biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu đã niêm phong từ ban bầu cử để bàn giao cho ban chấp hành công đoàn khóa mới.
+ Chỉ định triệu tập viên kỳ họp thứ nhất của ban chấp hành sau khi công bố kết quả bầu cử ban chấp hành công đoàn.
+ Giải quyết các vấn đề liên quan đến đại biểu chính thức dự đại hội phát sinh sau khi biểu quyết tư cách đại biểu.
(3) Đoàn thư ký đại hội
- Thành viên đoàn thư ký phải là đại biểu chính thức của đại hội, do đại hội bầu ra bằng hình thức biểu quyết số lượng và nhân sự, theo danh sách do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội giới thiệu.
- Đoàn thư ký có nhiệm vụ: Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội; tiếp nhận, quản lý và phát hành tài liệu liên quan đến đại hội theo sự chỉ đạo của đoàn chủ tịch đại hội; thu nhận, bảo quản và gửi đoàn chủ tịch đại hội đầy đủ hồ sơ, văn kiện chính thức của đại hội.
- Đoàn thư ký chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch đại hội về nhiệm vụ của thư ký; trưởng đoàn thư ký (nếu có) chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
(4) Ban thẩm tra tư cách đại biểu
- Ban thẩm tra tư cách đại biểu do đại hội bầu ra bằng hình thức biểu quyết.
- Ban thẩm tra tư cách đại biểu có nhiệm vụ:
+ Nghiên cứu các tài liệu về đại biểu đại hội do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội cung cấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và các quy định, nguyên tắc của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để xem xét tư cách đại biểu. Tổng hợp, phân tích và báo cáo trước đại hội về tình hình đại biểu và các trường hợp ban chấp hành đã xử lý do không đủ tư cách đại biểu theo quy định.
+ Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu đại hội gửi trước ngày đại hội, hội nghị chính thức khai mạc 30 ngày (tính từ ngày nhận được đơn, thư).
Các đơn thư gửi sau thời điểm này ban thẩm tra tư cách đại biểu không xem xét giải quyết mà tổng hợp đầy đủ và chuyển hồ sơ cho ban chấp hành khóa mới hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+ Báo cáo việc thẩm tra tư cách đại biểu và kết luận việc xem xét các đơn thư để đại hội thảo luận và quyết định bằng biểu quyết.
- Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội chấm dứt nhiệm vụ sau khi đại hội biểu quyết thông qua tư cách đại biểu.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?