Những ai phải nộp phí đường bộ? Việc quản lý và sử dụng phí đường bộ như thế nào?
Phí đường bộ là gì?
Hiện nay pháp luật không có quy định nào cụ thể khái niệm phí đường bộ mà chỉ có quy định về phí sử dụng đường bộ tại Nghị định 90/2023/NĐ-CP.
Tuy nhiên, có thể hiểu phí đường bộ là một khoản phí mà các chủ phương tiện giao thông đường bộ phải nộp để sử dụng cho mục đích bảo trì, nâng cấp đường bộ, cầu, phà,...
Đối tượng nào phải chịu phí đường bộ?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 90/2023/NĐ-CP có quy định về đối tượng chịu phí đường bộ như sau:
Điều 2. Đối tượng chịu phí
1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự (sau đây gọi chung là ô tô).
...
Căn cứ tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 90/2023/NĐ-CP có quy định về người nộp phí đường bộ như sau:
Điều 4. Người nộp phí và tổ chức thu phí
1. Tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện (sau đây gọi chung là chủ phương tiện) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ theo quy định tại Điều 2 Nghị định này là người nộp phí sử dụng đường bộ.
...
Như vậy, đối tượng nộp phí đường bộ là tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký (có giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe), kiểm định để lưu hành (được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), bao gồm: Xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự .
Ngoài ra, đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 90/2023/NĐ-CP không chịu phí sử dụng đường bộ.
Những ai phải nộp phí đường bộ? Việc quản lý và sử dụng phí đường bộ như thế nào? (Hình từ Internet)
Việc quản lý và sử dụng phí đường bộ như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Nghị định 90/2023/NĐ-CP có quy định về quản lý và sử dụng phí đường bộ, cụ thể như sau:
- Cục Đường bộ Việt Nam nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách trung ương. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 82/2023/NĐ-CP được trích để lại một phẩy hai phần trăm (1,2%) số tiền phí thực thu để trang trải chi phí quản lý hoạt động thu phí sử dụng đường bộ theo quy định.
Số tiền còn lại, tổ chức thu phí phải nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.
- Đối với các đơn vị đăng kiểm thực hiện thu phí:
+ Đơn vị thu phí sử dụng đường bộ được trích để lại một phẩy ba mươi hai phần trăm (1,32%) số tiền phí sử dụng đường bộ thực thu để chi cho các nội dung sau:
++ Trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.
++ Trích chuyển về Cục Đăng kiểm Việt Nam ba phần trăm (3%) số tiền được để lại (1,32%) để phục vụ công tác quản lý thu, nộp phí sử dụng đường bộ của hệ thống đơn vị đăng kiểm trên toàn quốc.
+ Trả lại tiền phí sử dụng đường bộ đối với các trường hợp không chịu phí quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 90/2023/NĐ-CP.
+ Số tiền còn lại, tổ chức thu phí sử dụng đường bộ chuyển về tài khoản chuyên thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời gian tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thu phí.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thu phí chuyển về tài khoản chuyên thu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tiền lãi phát sinh trên số dư tài khoản chuyên thu phí của Cục Đăng kiểm Việt Nam phải nộp vào ngân sách nhà nước.
- Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ thu được theo tháng, quyết toán theo năm theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP.
Cục Đăng kiểm Việt Nam nộp số tiền phí, Cục Đường bộ Việt Nam nộp toàn bộ số tiền phí thu được (trường hợp được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 90/2023/NĐ-CP thì nộp 98,8% số tiền phí thu được) vào ngân sách trung ương theo Chương của Bộ Giao thông vận tải và chi tiết theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành để chi cho công tác bảo trì hệ thống kết cấu giao thông đường bộ theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008.
- Số tiền phí sử dụng đường bộ được để lại chi của tổ chức thu phí:
+ Trường hợp tổ chức thu phí áp dụng cơ chế tài chính doanh nghiệp, số tiền phí được để lại là doanh thu của đơn vị và thực hiện khai, nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) theo quy định pháp luật về thuế;
+ Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức thu phí quản lý, sử dụng số tiền phí được để lại theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP và khoản 4 Điều 1 Nghị định 82/2023/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2024, kỷ niệm bao nhiêu năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2024)?
- 12 dịch vụ tại cảng biển thuộc diện kê khai giá từ ngày 15/01/2025?
- Mẫu đơn giải trình Đảng viên sinh con thứ 3 mới nhất năm 2024?
- Tỉnh Bắc Kạn có bao nhiêu huyện và thành phố? Tỉnh Bắc Kạn giáp tỉnh nào?
- Lập xuân 2025 vào ngày nào? Ngày Lập xuân bắt đầu và kết thúc vào ngày nào?