Trend ra biển tìm kho báu là như thế nào? Nhặt được 'kho báu' thì xử lý như thế nào?

Cho tôi hỏi: Mấy nay trên mạng xã hội xôn xao trend ra biển tìm kho báu, vậy trend ra biển tìm kho báu là như thế nào? Nhặt được "kho báu" thì xử lý ra sao? (Chị H. Hà Nội).

Trend ra biển tìm kho báu là như thế nào?

Trend ra biển tìm kho báu của bà Trương Mỹ Lan được cho là bắt nguồn từ dòng status cải biên trên Facebook với nội dung:

Khi được tòa hỏi "Giấu 673.000 tỉ đồng ở đâu?", bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời: "Các ngươi muốn của cải của ta ư? Ta giấu ngoài biển khơi ấy, ngươi muốn thì ra đó mà tìm".

Sau khi nội dung status được lan truyền rộng rãi khắp các trang mạng xã hội, nhiều người đã "đu trend ra biển tìm kho báu" bằng những bức ảnh chế, các đoạn video chèo thuyền ra biển tìm kho báu.

Tuy nhiên, mới đây Luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan cho rằng trend ra khơi truy tìm kho báu có nhiều nội dung xuyên tạc.

Trend ra biển tìm kho báu là như thế nào? Nhặt được "kho báu" thì xử lý như thế nào?

Trend ra biển tìm kho báu là như thế nào? Nhặt được "kho báu" thì xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)

Nhặt được "kho báu" thì xử lý như thế nào?

Xử lý đối với trường hợp nhặt được "kho báu" có thể chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1: "kho báu" là tài sản vô chủ hoặc tài sản không xác định được chủ sở hữu.

Căn cứ Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu như sau:

Điều 228. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu
1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.
2. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.
Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nhặt được 'kho báu" mà "kho báu" này đã bị chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu thì người nhặt được "kho báu" có quyền sở hữu "kho báu" đó.

Trường hợp người nhặt được "kho báu" mà không xác định được ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Nếu sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu "kho báu" thì người nhặt được "kho báu" sẽ là chủ sở hữu của số "kho báu" đã nhặt.

Trường hợp 2: "kho báu" là tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

Tại Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:

Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên
1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Theo đó thì trường hợp người nhặt được "kho báu" do chủ sở hữu số "kho báu" đã bỏ quên, đánh rơi mà biết được địa chỉ của chủ sở hữu "kho báu" thì phải thông báo hoặc trả lại "kho báu" cho người đó. Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về "kho báu" do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với "kho báu" này được xác định như sau:

- Trường hợp "kho báu" có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với "kho báu" theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp "kho báu" có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

- Trường hợp "kho báu" là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa 2001 thì "kho báu" đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được "kho báu' được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội có bị xử lý hình sự?

Căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định như sau:

Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% ;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, người có hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội bằng thủ đoạn bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu hình sự về tội vu khống.

Người có hành vi đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội trong trường hợp này có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Ngoài ra còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Nguyễn Thị Ngọc Trâm
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào