Kỳ họp Hội đồng nhân dân diễn ra bao nhiêu lần một năm? Ai có thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân?
Kỳ họp Hội đồng nhân dân diễn ra bao nhiêu lần một năm?
Căn cứ Điều 78 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 quy định về kỳ họp Hội đồng nhân dân như sau:
Điều 78. Kỳ họp Hội đồng nhân dân
1. Hội đồng nhân dân họp mỗi năm ít nhất hai kỳ.
Hội đồng nhân dân quyết định kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ vào kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đối với năm bắt đầu nhiệm kỳ và vào kỳ họp cuối cùng của năm trước đó đối với các năm tiếp theo của nhiệm kỳ theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.
2. Hội đồng nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất khi Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân yêu cầu.
...
Như vậy, kỳ họp Hội đồng nhân dân diễn ra ít nhất 2 lần trong một năm. Thời gian họp Hội đồng nhân dân được quyết định vào kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đối với năm bắt đầu nhiệm kỳ và vào kỳ họp cuối cùng của năm trước đó đối với các năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Đối với kỳ họp họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất của Hội đồng nhân dân thì diễn ra theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.
Kỳ họp Hội đồng nhân dân diễn ra bao nhiêu lần một năm? Ai có thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân?
Căn cứ Điều 80 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được sửa đổi bởi khoản 31 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 quy định về thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân như sau:
Điều 80. Triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân
1. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất được tính từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.
Kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân do Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước triệu tập. Trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước triệu tập kỳ họp; nếu khuyết cả Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định triệu tập viên, đối với cấp tỉnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định triệu tập viên, để triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân.
2. Trong nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định triệu tập kỳ họp thường lệ chậm nhất là 20 ngày, kỳ họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp. Trường hợp khuyết Thường trực Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định triệu tập viên, đối với cấp tỉnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định triệu tập viên, để triệu tập và chủ tọa kỳ họp Hội đồng nhân dân.
...
Như vậy, người có thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân được xác định như sau:
- Thẩm quyền triệu tập kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Hội đồng nhân dân:
+ Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước;
+ Trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân khóa trước.
+ Trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân: người có thẩm quyền triệu tập do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định;
+ Trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: người có thẩm quyền triệu tập do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định.
- Thẩm quyền triệu tập kỳ họp Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ:
+ Thường trực Hội đồng nhân dân;
+ Trường hợp Khuyết thường trực Hội đồng nhân dân: người có thẩm quyền triệu tập do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định;
+ Trường hợp Khuyết thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: người có thẩm quyền triệu tập do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định.
Có được phép làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân ba nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một đơn vị hành chính không?
Căn cứ khoản 5 Điều 83 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân như sau:
Điều 83. Bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
...
5. Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tục ở cùng một đơn vị hành chính.
...
Như vậy, cá nhân không được phép làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân ba nhiệm kỳ liên tiếp ở cùng một đơn vị hành chính.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?