Năm 2024, người chăm sóc người khuyết tật nặng được hỗ trợ kinh phí bao nhiêu?
Người chăm sóc người khuyết tật nặng có được hưởng chế độ nào không?
Căn cứ Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng:
Điều 44. Trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.
Theo quy định trên, người chăm sóc người khuyết tật nặng thì không được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng chỉ người chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng.
Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.
Năm 2024, người chăm sóc người khuyết tật nặng được hỗ trợ kinh phí bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Năm 2024, người chăm sóc người khuyết tật nặng được hỗ trợ kinh phí bao nhiêu?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng:
Điều 20. Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng
...
2. Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định này nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a) Mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
- Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi;
- Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên;
Trường hợp người khuyết tật thuộc diện hưởng các hệ số khác nhau quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một hệ số cao nhất;
Trường hợp cả vợ và chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng quy định tại điểm này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
...
Theo quy định trên, người chăm sóc người khuyết tật nặng được hỗ trợ kinh phí như sau:
[1] Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi
Mức hỗ trợ = 1.5 x Mức chuẩn trợ giúp xã hội = 540.000 đồng/tháng
[2] Trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai và nuôi một con dưới 36 tháng tuổi hoặc nuôi hai con dưới 36 tháng tuổi trở lên
Mức hỗ trợ = 2.0 x Mức chuẩn trợ giúp xã hội = 720.000 đồng/tháng
Như vậy, tùy trường hợp, mức trợ cấp cho người chăm sóc người khuyết tật có thể là 540.000 đồng/tháng hoặc 720.000 đồng/tháng.
Lưu ý: Mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. (Quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP)
Tuy nhiên, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.
Cơ sở nào chăm sóc người khuyết tật?
Căn cứ Điều 47 Luật Người khuyết tật 2010 quy định cơ sở chăm sóc người khuyết tật:
Điều 47. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật.
2. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
a) Cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật;
c) Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập;
d) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.
3. Chính phủ quy định điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
4. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người khuyết tật công lập.
Theo quy định trên, cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật, bao gồm các cơ sở sau:
- Cơ sở bảo trợ xã hội.
- Cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật.
- Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập.
- Cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 02 trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang của Cảnh sát giao thông từ 01/01/2025?
- Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam từ 2025?
- Phiếu bầu cử trong Đảng được xem là không hợp lệ khi nào? Thời hạn lưu trữ phiếu bầu cử là bao lâu?
- CSR là viết tắt của từ gì? Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp gồm gì?
- Mẫu Báo cáo chính trị Đại hội chi bộ khu dân cư mới nhất hiện nay?