Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào?

Cho tôi hỏi: Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào? Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu nào? (Câu hỏi của chị Tú - Tiền Giang)

Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào?

Căn cứ quy định điểm b khoản 7 Điều 5 Thông tư 70/2019/TT-BTC quy định về trình tự thực hiện khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã như sau:

Ghi sổ kế toán trên giấy:

Bước 1: Kiểm tra, đối chiếu trước khi khóa sổ kế toán

Việc kiểm tra đối chiếu thực hiện như sau:

- Sau khi đã phản ánh hết các chứng từ kế toán phát sinh trong kỳ vào sổ kế toán, kế toán thực hiện đối chiếu giữa số liệu trên chứng từ kế toán (nếu cần) với số liệu đã ghi sổ, giữa số liệu của các sổ kế toán có liên quan, đảm bảo sự khớp đúng giữa số liệu trên chứng từ kế toán với số liệu trong một sổ kế toán và giữa các sổ kế toán với nhau.

Thực hiện cộng số phát sinh trên Sổ Cái và các sổ kế toán chi tiết.

- Căn cứ các sổ, thẻ kế toán chi tiết, lập Bảng tổng hợp chi tiết đối với những tài khoản phải ghi trên nhiều sổ hoặc nhiều trang sổ.

- Thực hiện cộng số phát sinh Nợ, số phát sinh Có của tất cả các tài khoản trên Sổ Cái hoặc Nhật ký - Sổ Cái đảm bảo khớp đúng số liệu tổng hợp và chi tiết.

Sau đó thực hiện đối chiếu giữa số liệu trên Sổ Cái với số liệu trên sổ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết, giữa số liệu của kế toán với số liệu của thủ quỹ, thủ kho.

Sau khi xác định khớp đúng số liệu, thực hiện khóa sổ kế toán.

Trường hợp có chênh lệch phải xác định nguyên nhân và xử lý số chênh lệch cho đến khi số liệu khớp đúng.

Bước 2: Khóa sổ

- Khi khóa sổ phải kẻ một đường ngang dưới dòng ghi nghiệp vụ cuối cùng của kỳ kế toán. Sau đó ghi “Cộng số phát sinh trong kỳ” phía dưới dòng đã kẻ;

- Ghi tiếp dòng “Số dư cuối kỳ” (tháng, quý, năm);

Dòng “Số dư cuối kỳ” tính như sau:

Số dư Nợ cuối kỳ

=

Số dư Nợ đầu kỳ

+

Số phát sinh Nợ trong kỳ

-

Số phát sinh Có trong kỳ

Số dư Có cuối kỳ

=

Số dư Có đầu kỳ

+

Số phát sinh Có trong kỳ

-

Số phát sinh Nợ trong kỳ

Sau khi tính được số dư của từng tài khoản, tài khoản nào dư Nợ thì ghi vào cột Nợ, tài khoản nào dư Có thì ghi vào cột Có.

- Ghi tiếp dòng “Cộng số phát sinh lũy kế từ đầu năm”;

- Kẻ 2 đường kẻ liền nhau để kết thúc việc khóa sổ.

- Đối với sổ chi tiết có kết cấu các cột phát sinh Nợ, phát sinh Có và cột “Số dư” (hoặc nhập, xuất, “còn lại” hay thu, chi, “tồn quỹ”...), ghi số liệu cột số dư (còn lại hay tồn) vào dòng “Số dư cuối kỳ” của cột “Số dư” hoặc cột “Tồn quỹ”, hay cột “Còn lại”.

Sau khi khóa sổ kế toán, người ghi sổ phải ký dưới 2 đường kẻ, người phụ trách kế toán kiểm tra đảm bảo sự chính xác, cân đối sẽ ký xác nhận. Sau đó trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiểm tra và ký duyệt để xác nhận tính pháp lý của số liệu khóa sổ kế toán.

Ghi sổ trên máy vi tính:

Quy trình khóa sổ kế toán trên phần mềm kế toán cần được thiết lập đảm bảo và thể hiện các nguyên tắc khóa sổ đối với trường hợp ghi sổ kế toán trên giấy (thủ công).

Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào?

Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)

Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu nào?

Căn cứ quy định khoản 3 Điều 24 Luật kế toán 2015 quy định về sổ kế toán như sau:

Điều 24. Sổ kế toán
....
3. Sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Ngày, tháng, năm ghi sổ;
b) Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;
c) Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
d) Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;
đ) Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.
4. Sổ kế toán gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.

Như vậy, theo quy định thì sổ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Ngày, tháng, năm ghi sổ;

- Số hiệu và ngày, tháng, năm của chứng từ kế toán dùng làm căn cứ ghi sổ;

- Tóm tắt nội dung của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

- Số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh ghi vào các tài khoản kế toán;

- Số dư đầu kỳ, số phát sinh trong kỳ, số dư cuối kỳ.

Mỗi đơn vị kế toán được sử dụng bao nhiêu hệ thống sổ kế toán trong một kỳ?

Căn cứ quy định Điều 25 Luật kế toán 2015 quy định về hệ thống sổ kế toán như sau:

Điều 25. Hệ thống sổ kế toán
1. Đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị.
2. Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm.
3. Đơn vị kế toán được cụ thể hóa các sổ kế toán đã chọn để phục vụ yêu cầu kế toán của đơn vị.

Như vậy, theo quy định thì mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm.

Theo đó thì đơn vị kế toán phải căn cứ vào hệ thống sổ kế toán do Bộ Tài chính quy định để chọn một hệ thống sổ kế toán áp dụng ở đơn vị.

Trân trọng!

Khóa sổ kế toán
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Khóa sổ kế toán
Hỏi đáp Pháp luật
Trình tự khóa sổ kế toán áp dụng cho UBND cấp xã thực hiện như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Khóa sổ kế toán
Đinh Khắc Vỹ
207 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Khóa sổ kế toán
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào