Phá thai bệnh lý là gì? Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì?

Cho tôi hỏi phá thai bệnh lý là gì? Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì? Hồ sơ hưởng chế độ thai sản gồm những gì? Câu hỏi từ chị Thảo (Bắc Ninh)

Phá thai bệnh lý là gì?

Căn cứ Công văn 1967/BYT-BH năm 2013 xác định bệnh làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội do Bộ Y tế ban hành như sau:

Ngày 21 tháng 12 năm 2012 Bộ Y tế nhận được công văn số 1756/BHXH-CSXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xin ý kiến về việc xác định bệnh để làm căn cứ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Bộ Y tế có ý kiến như sau:
1. Các trường hợp mang thai trứng hoặc có thai ngoài tử cung là các trường hợp bệnh lý.
2. Đối với trường hợp bệnh của ông Nguyễn Đức Thuận: Theo hồ sơ do BHXH Việt Nam cung cấp kèm theo thì tên bệnh không thuộc danh mục bệnh cần nghỉ việc để điều trị dài ngày. Hiện nay Bộ Y tế đang tổng hợp, nghiên cứu xem xét bổ sung trong danh mục bệnh cần nghỉ việc để chữa trị dài ngày.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp và thực hiện bảo đảm quyền lợi đối với người lao động theo quy định.

Phá thai bệnh lý là việc chấm dứt thai kỳ do những bất thường về sức khỏe của thai nhi hoặc người mẹ, khiến cho việc tiếp tục mang thai có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc tính mạng của người mẹ, hoặc thai nhi không có khả năng sống sau khi sinh.

Các trường hợp được xem là phá thai bệnh lý bao gồm:

[1] Mang thai trứng là tình trạng bệnh lý của rau thai. Trong đó một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung lấn át sự phát triển của bào thai.

[2] Có thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung mà lại nằm ở bên ngoài.

Phá thai bệnh lý là gì? Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì?

Phá thai bệnh lý là gì? Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì? (Hình từ Internet)

Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì?

Căn cứ Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

Điều 33. Thời gian hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
1. Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
a) 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;
b) 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;
c) 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;
d) 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 1 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Căn cứ Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản:

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về điều kiện, thời gian, mức hưởng của các đối tượng quy định tại Điều 24 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.

Như vậy, người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi sau:

[1] Thời gian nghỉ

Khi người lao động phá thai bệnh lý được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

[2] Mức tiền hưởng chế độ thai sản

- Mức hưởng một tháng

Mức hưởng = 100% x Mức lương đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc

- Mức hưởng một ngày

Mức hưởng = [100% x Mức lương đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc] : 30 ngày

Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động phá thai bệnh lý gồm những giấy tờ gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động phá thai bệnh lý gồm những giấy tờ sau:

[1] Trường hợp điều trị nội trú

- Bản sao giấy ra viện của người lao động;

- Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình điều trị nội trú thì có thêm Bản sao giấy chuyển tuyến hoặc bản sao giấy chuyển viện.

[2] Trường hợp điều trị ngoại trú:

- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH hoặc;

- Bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Trân trọng!

Phá thai bệnh lý
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Phá thai bệnh lý
Hỏi đáp Pháp luật
Phá thai bệnh lý là gì? Người lao động phá thai bệnh lý thì được hưởng những quyền lợi gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Phá thai bệnh lý
Phan Vũ Hiền Mai
1,608 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào