Cảnh báo 7 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến phổ biến hiện nay cần chú ý?
- Cảnh báo 7 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến phổ biến hiện nay?
- Số điện thoại Công an báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến là số nào?
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
- Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Cảnh báo 7 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến phổ biến hiện nay?
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ra khuyến nghị người dân cảnh giác với 7 hình thức lừa đảo trực tuyến.
(1) Lừa đảo đăng ký học kỳ công an, quân đội miễn phí cho trẻ:
Các đối tượng lừa đảo tạo tài khoản Facebook có tên ‘Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND’, ‘Trại hè học kỳ quân đội’... với giao diện, địa chỉ giống với thông tin các cơ quan công an, quân đội. Đồng thời, mạo danh cơ quan chức năng đăng thông tin mời phụ huynh đăng ký khóa học miễn phí cho con.
Để đăng ký, học viên phải tập đặt thử vé máy bay online hoặc đặt cọc trước từ 5.000.000-10.000.000 đồng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng chặn liên lạc.
(2) Hàng loạt đối tượng chiếm đoạt mã giảm giá trên Shopee:
Bằng thủ đoạn chính là đặt đơn hàng ảo, các hội nhóm tạo ra những giao dịch ảo trị giá chục tỷ đồng và chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá Shopee tài trợ cho người mua hàng trên sàn.
(3) Giả danh thanh tra sở y tế để lừa bán thuốc xương khớp:
Với giá mỗi đơn từ 1.000.000-3.000.000 đồng. Sau khi chuyển thuốc qua dịch vụ phát hành thu tiền hộ - COD của doanh nghiệp chuyển phát, đối tượng còn lừa người bệnh tham gia chương trình lập sổ hỗ trợ khám bệnh miễn phí tại các bệnh viện lớn, với điều kiện người bệnh phải nộp tiền phí lập sổ hoặc tiền thuế giá trị gia tăng.
(4) Chiêu lừa mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh xuất hiện trở lại:
Mới đây, trên Facebook xuất hiện chương trình ‘Cuộc Thi Ảnh Khoảnh Khắc Yêu Thương Mẹ và Bé" có dấu hiệu lừa đảo khi mạo danh VTV yêu cầu người chơi tham gia ‘mua hàng nhà tài trợ’. Thời gian trước, hành vi mạo danh cá nhân, đơn vị của VTV đã được nhiều đối tượng sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân.
(5) Kênh YouTube của nhiều người nổi tiếng bị tấn công, chiếm quyền:
Theo Cục An toàn thông tin, việc hacker chiếm đoạt quyền điều khiển của tài khoản mạng xã hội của người nổi tiếng có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
(6) Xuất hiện lừa đảo ‘việc nhẹ lương cao’ qua WhatsApp:
Đây là thủ đoạn đã được các cơ quan chức năng tại Việt Nam liên tục cảnh báo. Những đối tượng này lúc đầu sẽ cho nạn nhân làm nhiệm vụ và nhận được một khoản tiền, với mỗi đơn hàng thực hiện thành công, người làm sẽ được hưởng lãi suất cao (10-15% giá trị đơn hàng). Khi thanh toán các đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, nạn nhân vẫn sẽ được hưởng hoa hồng, dần chiếm được lòng tin của nạn nhân. Tuy nhiên, đến đơn hàng có giá trị cao hơn, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền và biến mất.
Để phòng tránh, người dân nâng cao cảnh giác, tuyên truyền về thủ đoạn lừa đảo đến người thân, bạn bè để tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.
(7) Đánh cắp thông tin doanh nghiệp bằng cách lừa cài mã độc qua email:
Theo Cục An toàn thông tin, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang là mục tiêu tấn công của đối tượng lừa đảo để chiếm thông tin, tài sản.
Các cuộc tấn công không chỉ gây thiệt hại trực tiếp cho các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dùng. Một phiên bản cập nhật của phần mềm độc hại có tên Rhadamanthys đang được dùng trong các chiến dịch lừa đảo nhắm tới lĩnh vực dầu khí. Phát tán qua các email, Rhadamanthys được thiết kế để thiết lập kết nối với máy chủ lệnh và kiểm soát nhằm thu thập dữ liệu nhạy cảm từ máy chủ bị xâm nhập.
Ngoài ra, hiện nay, các trang mạng xã hội xuất hiện tràn lan các hội nhóm với tên như "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"... Những hội nhóm này cũng đính kèm các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật hoặc luật sư.
Ban đầu, kẻ gian sẽ yêu cầu nạn nhân gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí tra soát thông tin 3.000.000-5.000.000 triệu đồng. Đối tượng lừa đảo sẽ tự nhận là có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng, đồng thời đưa ra yêu cầu về mức phí hỗ trợ.
Các bài đăng trong những hội nhóm trên cũng đi kèm với rất nhiều bình luận "đã lấy lại tiền thành công". Tuy nhiên, theo Cục An toàn thông tin, những bình luận này hoàn toàn là kịch bản của các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, 100% các hội nhóm lấy lại tiền lừa đảo và thu hồi nợ trên mạng đều có dấu hiệu lừa đảo.
Cảnh báo 7 hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến phổ biến hiện nay cần chú ý? (Hình từ Internet)
Số điện thoại Công an báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến là số nào?
Người dân có thể liên lạc trực tiếp đến các cơ quan Công an có thẩm quyền xử lý sớm nhất để trình báo về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến trực tuyến, thông qua các đường dây nóng như sau:
- Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dùng internet có thể trực tiếp gửi các đường link, tình huống lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ:
+ Đường dây nóng 113 và trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/ConganThuDo;
+ Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053;
+ Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
- Đối với người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào?
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi khoản 3 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo đó, người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mức hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Theo khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
...
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
...
Theo đó, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trực tuyến nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Ngoài ra, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm này sẽ bị trục xuất.
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có mấy nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao?
- Luật Phá sản mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn?
- 7 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm? Tháng 2 2025 có ngày lễ nào ở Việt Nam NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương không?