Sự khác nhau giữa Công ty luật TNHH và Công ty TNHH Luật là gì?
Sự khác nhau giữa Công ty luật TNHH và Công ty TNHH Luật là gì?
Tiêu chí | Công ty luật TNHH | Công ty TNHH Luật |
Hoạt động | + Là một hình thức tổ chức hành nghề luật sư (khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) + Thực hiện dịch vụ pháp lý: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. (Điều 4 Luật Luật sư 2006 và Điều 39 Luật Luật sư 2006) + Đảm bảo theo điều kiện quy định tại Luật Luật sư 2006 | + Là một loại hình doanh nghiệp bình thường + Không được cung cấp các dịch vụ pháp lý như tư vấn, tố tụng. + Được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan. |
Tên gọi | Một công ty luật phải có tên gọi như sau: Công ty luật + loại hình công ty (TNHH/hợp danh) + tên riêng. (khoản 5 Điều 34 Luật Luật sư 2006) | Chữ "Luật" trong "Công ty TNHH Luật ABC" được tính là tên riêng của doanh nghiệp đó, nghĩa là công ty đó có tên là "Luật ABC", không phải là tổ chức hành nghề luật sư, không có chức năng cung cấp các dịch vụ pháp lý như tư vấn, tố tụng... Theo đó, công ty có tên gọi là theo cấu trúc "Công ty TNHH luật + Tên riêng". |
Thành viên | Thành viên của công ty luật phải là luật sư. (Điều 34 Luật Luật sư 2006) | Không bắt buộc thành viên của công ty luật phải là luật sư. |
Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy phép hoạt động | Giấy phép đăng ký hoạt động được cấp bởi Sở Tư pháp, được phép tư vấn pháp luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý thực hiện bởi các luật sư. (Điều 35 Luật Luật sư 2006) | Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp về hoạt động dịch vụ chỉ có thể tư vấn và thực hiện các thủ tục hành chính, không được tư vấn pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý.(Chương 2 Nghị định 01/2021/NĐ-CP). |
Sự khác nhau giữa Công ty luật TNHH và Công ty TNHH Luật là gì? (Hình từ Internet)
Công ty luật có điều lệ công ty không?
Căn cứ Điều 35 Luật Luật sư 2006 quy định như sau:
Điều 35. Đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
1. Tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có Đoàn luật sư mà Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật là thành viên. Công ty luật do luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập thì đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có trụ sở của công ty.
2. Tổ chức hành nghề luật sư phải có hồ sơ đăng ký hoạt động gửi Sở Tư pháp. Hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư gồm có:
a) Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu thống nhất;
b) Dự thảo Điều lệ của công ty luật;
c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư, bản sao Thẻ luật sư của luật sư thành lập văn phòng luật sư, thành lập hoặc tham gia thành lập công ty luật;
d) Giấy tờ chứng minh về trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.
3. Trong thời hạn mười ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do, người bị từ chối cấp Giấy đăng ký hoạt động có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức hành nghề luật sư được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trưởng văn phòng luật sư hoặc Giám đốc công ty luật phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao Giấy đăng ký hoạt động cho Đoàn luật sư mà mình là thành viên.
Theo đó, công ty luật có điều lệ công ty và phải gửi Dự thảo Điều lệ của công ty luật khi gửi hồ sơ đăng ký hoạt động cho Sở Tư pháp.
Nội dung chính của Điều lệ công ty luật bao gồm gì?
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định nội dung chính của Điều lệ công ty luật bao gồm:
(1) Tên, địa chỉ trụ sở;
(2) Loại hình công ty luật;
(3) Lĩnh vực hành nghề;
(4) Họ, tên, địa chỉ thường trú của luật sư chủ sở hữu (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên) hoặc các luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
(5) Quyền và nghĩa vụ của luật sư chủ sở hữu hoặc các luật sư thành viên;
(6) Điều kiện và thủ tục tham gia hoặc rút tên khỏi danh sách luật sư thành viên (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
(7) Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành;
(8) Thể thức thông qua quyết định, nghị quyết; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
(9) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận và trách nhiệm của các luật sư thành viên đối với nghĩa vụ của công ty (đối với công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật hợp danh);
(10) Các trường hợp tạm ngừng, chấm dứt hoạt động và thủ tục thanh lý tài sản;
(11) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty luật.
Lưu ý: Điều lệ công ty luật phải có chữ ký của luật sư chủ sở hữu hoặc của tất cả luật sư thành viên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?