Hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán như sau:
Xử phạt hành vi vi phạm quy định về tài khoản kế toán
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Hạch toán không đúng nội dung quy định của tài khoản kế toán;
b) Thực hiện sửa đổi nội dung, phương pháp hạch toán của tài khoản kế toán hoặc mở thêm tài khoản kế toán thuộc nội dung phải được Bộ Tài chính chấp thuận mà chưa được chấp thuận.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng hệ thống tài khoản kế toán đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận.
Ngoài ra, căn cứ Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:
Mức phạt tiền trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập
...
2. Mức phạt tiền quy định tại Chương II, Chương III Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 7; Điều 8; Điều 9; Điều 10; Điều 11; Điều 13; Điều 14; Điều 15; Điều 16; Điều 17; Điều 19; khoản 1, khoản 3 Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 26; Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 3 Điều 36; khoản 1 Điều 38; khoản 2, khoản 3 Điều 39; khoản 1, khoản 2 Điều 48; khoản 1 Điều 57; khoản 1, khoản 2 Điều 61; Điều 67 là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, hành vi hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Hạch toán không đúng nội dung của tài khoản kế toán thì bị phạt bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc kế toán tiền được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 11 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc kế toán tiền. Theo đó, việc kế toán tiền phải thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập tiền, ngoại tệ và tính ra số tồn tại quỹ và từng tài khoản ở Ngân hàng tại mọi thời điểm để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.
- Các khoản tiền do doanh nghiệp khác và cá nhân ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như tiền của doanh nghiệp.
- Khi thu, chi phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định.
- Kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo nguyên tệ.
- Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:
+ Bên Nợ các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế;
+ Bên Có các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.
- Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế.
Chứng từ kế toán bao gồm những nội dung gì?
Căn cứ Điều 16 Luật Kế toán 2015 quy định về nội dung của chứng từ kế toán như sau:
Nội dung chứng từ kế toán
1. Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và số hiệu của chứng từ kế toán;
b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
c) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập chứng từ kế toán;
d) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân nhận chứng từ kế toán;
đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.
2. Ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại khoản 1 Điều này, chứng từ kế toán có thể có thêm những nội dung khác theo từng loại chứng từ.
Như vậy, chứng từ kế toán phải bao gồm những nôi dung sau:
- Tên và số hiệu của chứng từ;
- Ngày, tháng, năm lập chứng từ kế toán;
- Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân lập và nhận chứng từ;
- Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;
- Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số;
- Tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền ghi bằng số và bằng chữ;
- Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ.
Ngoài ra, tùy theo từng loại chứng từ cụ thể, doanh nghiệp thêm những nội dung phù hợp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tài khoản kế toán có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?