Người phạm tội được miễn hình phạt bao lâu được xóa án tích?
Người phạm tội được miễn hình phạt bao lâu được xóa án tích?
Căn cứ Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015 quy định xóa án tích:
Xóa án tích
1. Người bị kết án được xóa án tích theo quy định tại các điều từ Điều 70 đến Điều 73 của Bộ luật này.
Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
2. Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Căn cứ Điều 107 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 19 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định xóa án tích:
Xóa án tích
1. Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương này.
...
Như vậy, án tích là hậu quả pháp lý của việc bị kết án về một tội phạm, thể hiện qua bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Xóa án tích là việc xóa bỏ thông tin về tiền án, tiền sự của người đã từng phạm tội, giúp họ được tái hòa nhập cộng đồng và hưởng các quyền lợi như người bình thường.
Theo quy định trên, có 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Cụ thể như sau:
(1) Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng;
(2) Người được miễn hình phạt;
(3) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì;
(4) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
(5) Người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.
Theo đó, người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Người phạm tội được miễn hình phạt bao lâu được xóa án tích? (Hình từ Internet)
Người phạm tội nào đương nhiên được xóa án tích?
Căn cứ khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đương nhiên được xóa án tích:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
...
Theo đó, người bị kết án nếu không phải về các tội sau thì khi đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện theo quy định thì đương nhiên được xóa án tích:
[1] Các tội xâm phạm an ninh Quốc gia
- Tội phản bội Tổ quốc
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
- Tội gián điệp
- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
- Tội bạo loạn
- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân
- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội
- Tội phá hoại chính sách đoàn kết
- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Tội phá rối an ninh
- Tội chống phá cơ sở giam giữ
- Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
- Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân
[2] Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh
- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược
- Tội chống loài người
- Tội phạm chiến tranh
- Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê
- Tội làm lính đánh thuê
Người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ nào thì được miễn hình phạt?
Căn cứ Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 quy định miễn hình phạt:
Miễn hình phạt
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Căn cứ khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 quy định quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
...
Như vậy, người phạm tội có thể được miễn hình phạt khi có ít nhất hai trong các tình tiết giảm nhẹ sau:
+ Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
+ Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
+ Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
+ Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
+ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
+ Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
+ Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
+ Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
+ Phạm tội do lạc hậu;
+ Người phạm tội là phụ nữ có thai;
+ Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
+ Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
+ Người phạm tội tự thú;
+ Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
+ Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
+ Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
+ Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
+ Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Ngoài ra, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Lưu ý: Các tình tiết giảm trên là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thủ tướng yêu cầu bảo đảm công chức viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán 2025?
- Vòng chung kết cuộc thi Festival Trạng nguyên Tiếng Anh 2025 diễn ra vào ngày nào?
- Đã có thông báo thu hồi đất, có được mua bán đất nữa không?
- Đơn đề nghị tập huấn cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe mới nhất hiện nay?
- Nút ấn báo cháy được lắp ở đâu? Mẫu tem kiểm định nút ấn báo cháy là mẫu nào?