Thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được thực hiện theo trình tự thế nào?
- Người có bài thuốc gia truyền là ai?
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được thực hiện theo trình tự thế nào?
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền gồm những thành phần gì?
- Những trường hợp nào bị thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền?
Người có bài thuốc gia truyền là ai?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền là bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh theo kinh nghiệm do dòng tộc hoặc gia đình truyền lại và điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận.
Bên cạnh đó, khoản 9 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền là người giữ quyền sở hữu bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh.
Như vậy, người có bài thuốc gia truyền là người giữ quyền sở hữu bài thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm do dòng tộc hoặc gia đình truyền lại và điều trị có hiệu quả đối với một hoặc một số bệnh được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được thực hiện theo trình tự thế nào?
Ngày 16 tháng 3 năm 2024, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 642/QĐ-BYT năm 2024 công bố thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Y, Dược cổ truyền được quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BYT.
Căn cứ tại Mục 4 Phần 2 Quyết định 642/QĐ-BYT năm 2024 nêu rõ trình tự thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền thuộc thẩm quyền của Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh như sau:
Bước 1: Người đề nghị cấp giấy chứng nhận gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tới cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú.
+ Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ theo mẫu số 02 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
+ Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho người đề nghị cấp giấy chứng nhận để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
+ Trong thời gian 60 ngày, kể từ ngày cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ mà người đề nghị cấp giấy chứng nhận không sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận không còn giá trị. Người đề nghị nộp lại hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 21 Thông tư 02/2024/TT-BYT nếu có nhu cầu.
Bước 2: Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản họp Hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 04 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT hoặc ban hành văn bản về việc từ chối cấp giấy chứng nhận và nêu rõ lý do từ chối.
Như vậy, người có bài thuốc gia truyền cần thực hiện thủ tục theo trình tự trên để được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền được thực hiện theo trình tự thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền gồm những thành phần gì?
Theo Quyết định 642/QĐ-BYT năm 2024 nêu rõ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền gồm những thành phần như sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận theo mẫu số 01 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
- Bản thuyết minh về bài thuốc gia truyền hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền theo mẫu số 03 Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2024/TT-BYT.
- Bản sao hợp lệ kết quả thử độc tính cấp và bán trường diễn đối với bài thuốc gia truyền.
- Bản sao hợp pháp giấy tờ chứng minh quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- 02 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm, chụp trên nền trắng (trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ).
Những trường hợp nào bị thu hồi Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền?
Căn cứ tại Điều 26 Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền bị thu hồi trong 4 trường hợp sau đây:
- Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không đúng quy định.
- Có kết luận của Hội đồng chuyên môn do cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập về bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền không bảo đảm an toàn, hiệu quả.
- Có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền không phải là người giữ quyền sở hữu bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền.
Như vậy, người được cấp Giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận nếu thuộc một trong số các trường hợp nêu trên.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Tin mới nhất về tăng lương hưu 2025?
- Năm 2024, kỷ niệm bao nhiêu năm ngày thành lập Hội Cựu Chiến binh Việt Nam (6/12/1989 - 6/12/2024)?
- Từ ngày 01/07/2025, việc tăng lương hưu phải thỏa đáng đối với đối tượng nào?
- Tải Nghị định 130 về kê khai tài sản pdf cập nhật đầy đủ?