Ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường có bị tước bằng lái xe không?
Hiện nay có mấy loại vạch kẻ đường dựa vào phương pháp kẻ?
Căn cứ theo khoản 53.2 Điều 53 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định như sau:
Phân loại vạch kẻ đường
53.1. Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành hai loại: vạch trên mặt bằng (bao gồm vạch trên mặt đường: vạch dọc đường, ngang đường và những loại vạch khác) và vạch đứng.
53.1.1. Vạch trên mặt bằng dùng để quy định các phần đường khác nhau trên mặt bằng có màu trắng trừ một số vạch quy định ở Phụ lục G có màu vàng. Trong một số trường hợp có thể sử dụng các màu sắc khác để nâng mức độ cảnh báo giao thông trên mặt đường.
53.1.2. Vạch đứng kẻ trên thành vỉa hè, các công trình giao thông và một số bộ phận khác của đường. Loại vạch này kết hợp giữa vạch vàng và vạch đen hoặc vạch trắng và vạch đỏ.
53.2. Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại như sau:
53.2.1. Vạch dọc đường là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường;
53.2.2. Vạch ngang đường là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy;
53.2.3. Các loại vạch khác là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.
...
Như vậy, nếu dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành ba loại dưới đây:
(1) Vạch dọc đường: là vạch kẻ dọc theo hướng xe chạy trên đường.
(2) Vạch ngang đường: là vạch kẻ có hướng cắt ngang đường hoặc hình thành một góc chéo với hướng xe chạy.
(3) Các loại vạch khác: là các loại ký hiệu chữ hoặc hình thức khác.
Ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường có bị tước bằng lái xe không? (Hình từ Internet)
Ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường có bị tước bằng lái xe không?
Căn cứ theo điểm a khoản 1, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm i khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, điểm d, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k khoản 2; điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm k, điểm l, điểm o, điểm r, điểm s khoản 3; điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm I khoản 4; điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm i khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; điểm a, điểm c khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
...
11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
...
c) Thực hiện hành vi quy định tại điểm c khoản 5; điểm a, điểm b khoản 6; khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng. Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng: điểm a, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1; điểm b, điểm d, điểm g khoản 2; điểm b, điểm g, điểm h, điểm m, điểm n, điểm r, điểm s khoản 3; điểm a, điểm c, điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; điểm a, điểm b, điểm e, điểm g, điểm h khoản 5 Điều này;
...
Theo quy định này, lỗi đè vạch kẻ đường được xác định là lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Theo đó, người đi xe ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.
Ngoài bị phạt tiền, người đi xe ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước bằng lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Do đó, người đi xe ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường không đương nhiên bị tước bằng lái xe. Chỉ đối với trường hợp người này vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường và gây tai nạn giao thông mới thuộc trường hợp bị tước bằng lái xe.
Ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường có được nộp phạt nhiều lần không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định như sau:
Nộp tiền phạt nhiều lần
1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
...
Như vậy, việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
- Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần.
Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Tuy nhiên, mức phạt tiền đối với trường hợp ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường là từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng, tức là dưới ngưỡng được áp dụng hình thức nộp phạt nhiều lần.
Cho nên, ô tô vi phạm lỗi đè vạch kẻ đường không được nộp phạt nhiều lần.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vi phạm giao thông có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Những bài học kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập Đảng đến nay (03/2/1930 - 03/2/2025) theo Kế hoạch 175?
- Chính sách trọng dụng người có phẩm chất năng lực nổi trội đối với cán bộ công chức viên chức theo Nghị định 178?