Chánh thanh tra là gì? Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Chánh thanh tra?
Chánh thanh tra là gì?
Chánh thanh tra là người đứng đầu các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tình, thành phố trực thuộc trung ương, các sở, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Chánh thanh tra hiện nay bao gồm Chánh Thanh tra huyện, Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra sở, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục.
Lưu ý, nội dung chỉ mang tính chất tham khảo.
Chánh thanh tra là gì? Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của Chánh thanh tra? (Hình từ Internet)
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra?
Căn cứ Điều 95 Luật Thanh tra 2022 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra như sau:
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra
1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của mình, của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.
2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý về thanh tra của mình và của các cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.
3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 25 Luật Khiếu nại 2011 quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra các cấp như sau:
Thẩm quyền của Chánh thanh tra các cấp
1. Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao.
2. Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Như vậy, Chánh thanh tra các cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của chính Chánh thanh tra, của Trưởng đoàn và các thành viên của Đoàn thanh tra.
Bên cạnh đó Chánh thanh tra các cấp cũng có thẩm quyền giúp đỡ các cơ quan quản lý nhà nước khác cùng cấp kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị, đôn đốc giải quyết khiếu nại khi được giao.
Theo đó, Chánh thanh tra chỉ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với cơ quan của mình. Đối với các cơ quan khác, Chánh thanh tra có thẩm quyền giúp đỡ giải quyết khiếu nại mà không phải là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đó.
Thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh thanh tra?
Căn cứ khoản 1 Điều 96 Luật Thanh tra 2022 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong hoạt động thanh tra như sau:
Tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra
1. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
...
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 32 Luật Tố cáo 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Chánh thanh tra các cấp như sau:
Trách nhiệm của Chánh thanh tra các cấp và Tổng Thanh tra Chính phủ
1. Chánh thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh, Chánh thanh tra sở, Chánh thanh tra cấp huyện có trách nhiệm sau đây:
a) Xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp khi được giao;
b) Xem xét việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp dưới trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật thì kiến nghị người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp xem xét, giải quyết lại.
...
Như vậy, Chánh thanh tra các cấp khi được giao sẽ có thẩm quyền xác minh nội dung tố cáo, báo cáo kết quả xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp.
Ngoài ra, Chánh thanh tra các cấp có quyền xem xét việc giải quyết tố cáo mà người đứng đầu cơ quan cấp dưới trực tiếp của cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp đã giải quyết nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thanh tra có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?