Đi du học có phải khai báo tạm vắng hay không?
Đi du học có phải khai báo tạm vắng hay không?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020 quy định về khai báo tạm vắng như sau:
Khai báo tạm vắng
1. Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;
b) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
c) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
...
Đối chiếu với quy định này, người đi du học được xác định là người xuất cảnh ra nước ngoài. Mà theo quy định thì người xuất cảnh ra nước ngoài không thuộc trường hợp khai báo tạm vắng. Theo đó, người đi du học không phải khai báo tạm vắng.
Đi du học có phải khai báo tạm vắng hay không? (Hình từ Internet)
Thủ tục khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú 2020, Điều 16 Thông tư 55/2021/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA, Điều 4 Thông tư 66/2023/TT-BCA, thủ tục khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú có thể được thực hiện theo các bước sau đây:
- Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ đăng ký khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú.
Thành phần hồ sơ bao gồm các giấy tờ dưới đây:
- Trường hợp công dân thuộc quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020, hồ sơ gồm:
+ Đề nghị khai báo tạm vắng;
+ Văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.
- Trường hợp thuộc quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú 2020, nội dung khai báo tạm vắng gồm:
+ Họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng;
+ Lý do tạm vắng;
+ Thời gian tạm vắng;
+ Địa chỉ nơi đến.
- Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ theo các phương thức sau:
+ Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú (chẳng hạn công an cấp xã);
+ Nộp qua hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;
+ Nộp qua cổng dịch vụ công, ứng dụng VNeID hoặc dịch vụ công trực tuyến khác;
+ Nộp qua ứng dụng trên thiết bị điện tử.
- Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ khai báo tạm vắng trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người đăng ký, theo mẫu CT04 ban hành kèm theo Thông tư 66/2023/TT-BCA;
+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ cho người đăng ký, theo mẫu CT05 ban hành kèm theo Thông tư 66/2023/TT-BCA;
+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho người đăng ký, theo mẫu CT06 ban hành kèm theo Thông tư 66/2023/TT-BCA.
- Bước 4: Người đăng ký căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú.
Cơ quan đăng ký cư trú phải có trách nhiệm gì?
Căn cứ theo Điều 33 Luật Cư trú 2020 có quy định như sau:
Trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú
1. Niêm yết công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú; công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
2. Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
3. Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.
5. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền.
Theo đó, cơ quan đăng ký cư trú phải có các trách nhiệm đó là:
- Niêm yết công khai thủ tục hành chính;
- Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định về cư trú;
- Công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo về lưu trú, khai báo tạm vắng.
- Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
- Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định.
- Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.
- Giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Khai báo tạm vắng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?