1. Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú
Theo quy định tại Điều 3 Luật Cư trú 2020:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
- Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
- Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
![](https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/chu-de-van-ban/ThuyDuong/Tong-hop-van-ban-quan-trong-Quan-ly-cu-tru.png)
Tổng hợp văn bản quan trọng về Quản lý cư trú (Hình từ internet)
2. Trách nhiệm của cơ quan trung ương trong quản lý nhà nước về cư trú
Theo quy định tại Điều 32 Luật Cư trú 2020, trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú như sau:
- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước.
- Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú và có trách nhiệm sau đây:
+ Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;
+ Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú; tổ chức việc đăng ký, quản lý cư trú trên toàn quốc, cập nhật thông tin về cư trú vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
+ Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật này;
+ Ban hành, in ấn và quản lý tờ khai thay đổi thông tin cư trú và các giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu, sổ sách về cư trú;
+ Trang bị máy móc, phương tiện, thiết bị; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;
+ Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
+ Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật;
+ Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú.
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú theo sự phân công của Chính phủ.
3. Trách nhiệm của cơ quan địa phương trong quản lý nhà nước về cư trú
Theo quy định tại Điều 32 Luật Cư trú 2020, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;
- Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan ở địa phương về quản lý cư trú;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cư trú;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
4. Tổng hợp văn bản quan trọng về Quản lý cư trú
1
Luật cư trú 2020
Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ 01/07/2021 quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú. Tại Điều 3, Điều 6, Chương VI Luật này quy định về Quản lý cư trú.
2
Nghị định 154/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú
Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/01/2025 , quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú. Tại Điều 8 Nghị định này quy định một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú.
3
Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình
Nghị định 144/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2022 quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó Điều 9 quy định về Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú.
5
Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn Luật Cư trú do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định về việc đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng và xác nhận thông tin về cư trú; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi đơn vị đóng quân đối với người học tập, công tác, làm việc trong Công an nhân dân; trách nhiệm quản lý cư trú được áp dụng từ ngày 01/07/2021. Tại Chương VI Thông tư này quy định về Quản lý cư trú.
6
Thông tư 56/2021/TT-BCA quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư 56/2021/TT-BCA có hiệu lực từ 01/07/2021, quy định về biểu mẫu, quản lý và sử dụng biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú.
7
Quyết định 320/QĐ-BCA năm 2024 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực đăng ký, quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an
Ngày 16/01/2024, Bộ Công An ban hành Quyết định 320/QĐ-BCA. Trong đó, công bố các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực đăng ký bao gồm các thủ tục về đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú được đính kèm theo Quyết định này.