Hồ sơ khám nghiệm hiện trường vụ án hình sự có những tài liệu nào?

Cho tôi hỏi: Hồ sơ khám nghiệm hiện trường vụ án hình sự có những tài liệu nào? Biên bản khám nghiệm hiện trường đảm bảo các điều kiện nào? Cảm ơn. Chị Nga tại Lạng Sơn.

Hồ sơ khám nghiệm hiện trường có những tài liệu pháp lý nào?

Căn cứ Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hồ sơ khám nghiệm hiện trường vụ án gồm có 03 loại tài liệu pháp lý như sau:

- Biên bản khám nghiệm hiện trường: là một tài liệu pháp lý ghi nhận tình hình thực tế khách quan ở hiện trường và kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường do điều tra viên lập và được những người tiến hành, tham gia và chứng kiến cuộc khám nghiệm thông qua và ký xác nhận sau khi kết thúc hoạt động này.

Hình thức và nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo mẫu của loại biên bản này do Bộ Công an ban hành.

Việc viết biên bản khám nghiệm hiện trường có thể chia làm hai bước:

Bước 1: Viết bản thảo đồng thời với quá trình khám nghiệm để kịp thời ghi nhận những thông tin, dấu vết, vật chứng thu được ở hiện trường;

Bước 2: Viết lại hoàn chỉnh sau khi kết thúc khám nghiệm.

- Sơ đồ hiện trường: là bản vẽ mô tả hiện trường, dấu vết vật chứng có ở hiện trường nhằm minh họa và bổ sung cho biên bản khám nghiệm hiện trường.

Sơ đồ hiện trường bao gồm các loại sau:

+ Sơ đồ chung;

+ Sơ đồ khu vực;

+ Sơ đồ chi tiết.

Việc vẽ sơ đồ hiện trường thường được thực hiện qua 2 bước:

Bước 1: Vẽ phác họa sơ đồ trong khi khám nghiệm;

Bước 2: Vẽ hoàn chỉnh sơ đồ sau khi kết thúc khám nghiệm.

Khi vẽ sơ đồ hiện trường, cần căn cứ vào đặc điểm của từng loại hiện trường, loại sơ đồ và đặc điểm của đối tượng cần mô tả... để lựa chọn phương pháp vẽ sơ đồ phù hợp.

- Bản ảnh hiện trường: là tài liệu bổ sung cho biên bản khám nghiệm hiện trường, ghi nhận bằng hình ảnh toàn bộ quang cảnh hiện trường cũng như vị trí, trạng thái của đồ vật, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường.

Trong một bản ảnh hiện trường phải có loại ảnh sau: Ảnh định hướng, ảnh toàn cảnh, ảnh từng phàn, ảnh chi tiết.

Đối với hiện trường có người chết phải chụp ảnh tử thi theo nguyên tắc chụp ảnh nhận dạng.

Căn cứ vào đặc điểm của hiện trường, số lượng dấu vết, vật chứng ở hiện trường, điều tra viên quyết định số lượng ảnh của từng loại ảnh cần chụp.

Hồ sơ khám nghiệm hiện trường có những tài liệu pháp lý nào ?

Hồ sơ khám nghiệm hiện trường có những tài liệu pháp lý nào? (Hình từ Internet)

Biên bản khám nghiệm hiện trường đảm bảo các điều kiện nào?

Căn cứ Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về biên bản:

Biên bản
1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên bản theo mẫu thống nhất.
Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.
2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

Như vậy, biên bản khám nghiệm hiện trường đảm bảo các điều kiện sau:

- Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

- Biên bản phải có chữ ký của những người tham gia khám nghiệm hiện trường.

- Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng (nếu không biết chữ) theo quy định và chữ ký của người chứng kiến.

Trước khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên cần phải làm gì?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

Khám nghiệm hiện trường
1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
2. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
...

Theo đó, trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên có nhiệm vụ phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

Tiếp đó, khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.

Trân trọng!

Khám nghiệm hiện trường
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Khám nghiệm hiện trường
Hỏi đáp Pháp luật
Hồ sơ khám nghiệm hiện trường vụ án hình sự có những tài liệu nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Khám nghiệm hiện trường
Đinh Thị Ngọc Huyền
2,165 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào