Đường cao tốc là gì? Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp?

Cho tôi hỏi: Đường cao tốc là gì? Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp theo quy định pháp luật? Xin cảm ơn. Anh Khánh tại Thừa Thiên Huế.

Đường cao tốc là gì?

Căn cứ tại Tiểu mục 3.1 Mục 3 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 quy định như sau:

Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ sau:
3.1 Đường cao tốc (Expressway)
Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
...

Đồng thời, khái niệm này cũng được quy định tương tự tại khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008.

Theo đó, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Đường cao tốc là gì? Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp?

Đường cao tốc là gì? Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp? (Hình từ Internet)

Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp?

Căn cứ tại Tiểu mục 3.2 Mục 3 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 quy định như sau:

Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ sau:
...
3.2 Cấp đường cao tốc (Classification of expressway)
Theo tốc độ tính toán, đường cao tốc được phân làm 4 cấp:
- cấp 60 có tốc độ tính toán là 60 km/h;
- cấp 80 có tốc độ tính toán là 80 km/h;
- cấp 100 có tốc độ tính toán là 100 km/h;
- cấp 120 có tốc độ tính toán là 120 km/h.
Trong đó, cấp 60 và 80 áp dụng ở địa hình khó khăn vùng núi, đồi cao và ở những vùng có hạn chế khác; cấp 100 và 120 cho vùng đồng bằng.

Như vậy, theo quy định trên thì đường cao tốc được phân làm 04 cấp theo tốc độ tính toán, bao gồm: Cấp 60 - 80 - 100 - 120, cụ thể:

- Các cấp 60-80 sẽ áp dụng cho vùng có địa hình nhiều hạn chế, khó khăn.

- Các cấp 100-120 áp dụng cho vùng đồng bằng có địa hình bằng phẳng.

Các quy định chung để xây dựng đường cao tốc là gì?

Căn cứ tại Mục 4 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5729:2012 quy định các quy định chung để xây dựng đường cao tốc bao gồm:

- Trường hợp thiết kế cải tạo một tuyến đường cũ thành đường cao tốc, nên cố gắng tận dụng các công trình hiện có nhưng cần tuân thủ các quy định trong tiêu chuẩn này.

Chú thích 1: Trong trường hợp chất lượng về tuyến và công trình của đường cũ quá thấp, hai bên đường cũ quá đông dân cư thì nên thiết kế đường cao tốc hoàn toàn mới (đi tách khỏi tuyến đường cũ).

- Tuyến đường cao tốc nên kết hợp tốt với quy hoạch đô thị và phù hợp với quy hoạch các trung tâm kinh tế trong tương lai; khi thiết kế đưa ra các giải pháp đảm bảo mối liên hệ giao thông giữa đô thị với đường cao tốc (kể cả giải pháp gom lượng giao thông này về các chỗ ra, vào đã được bố trí trên đường cao tốc).

- Trên cơ sở điều tra đánh giá toàn diện về các tác động môi trường cũng phải đề cập đầy đủ đến các giải pháp đảm bảo môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

- Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư một dự án xây dựng đường cao tốc (giai đoạn thiết kế cơ sở), cần lập các luận chứng làm rõ nội dung dưới đây:

+ Xác định sự cần thiết phải làm đường cao tốc; xác định các điểm khống chế để hình thành các phương án tuyến đường cao tốc; so sánh chọn phương án và đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính của phương án chọn trên cơ sở dự báo lưu lượng xe tính toán trên từng đoạn đường giữa các điểm khống chế.

+ Xác định số làn xe (khi cần nhiều hơn hai làn cho một chiều) trên cơ sở tính toán năng lực thông hành; luận chứng sự cần thiết và hiệu quả của việc làm thêm làn xe leo dốc cho các xe chạy chậm.

+ Sự cần thiết phải bố trí mặt cắt ngang các làn xe chạy cho mỗi chiều ở cao độ khác nhau để giảm bớt khối lượng công trình nền đường (trường hợp đường cao tốc đi trên sườn núi, đồi hoặc trường hợp lợi dụng việc cải tạo một đường cũ hai làn xe làm một bên phần xe chạy của đường cao tốc mới).

+ Xác định các chỗ ra, vào đường cao tốc, luận chứng chọn loại và so sánh các phương án bố trí chỗ giao nhau trên đường cao tốc.

+ Các phương án trắc dọc đi cao hay thấp tại các chỗ cắt qua đường dân sinh, đặc biệt là đoạn tuyến đi qua vùng đất yếu.

+ So sánh phương án và luận chứng xác định vị trí đặt trạm thu phí.

- Đường cao tốc được thiết kế với thời gian tính toán dự báo giao thông là 20 năm kể từ năm đầu tiên đưa đường vào sử dụng và dựa trên cơ sở quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt, thuỷ, bộ, hàng không, cả trước mắt và trong tương lai sao cho tuyến đường cao tốc có thể phát huy tác dụng tối đa trong mạng lưới chung, không ảnh hưởng xấu đến các hoạt động giao thông ngắn, giao thông địa phương khác, chú ý đến việc dự trữ đất dành cho việc mở rộng phần xe chạy, phạm vi các nút giao nhau trong tương lai.

- Tuy phải xét đến tương lai, nhưng do quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc lớn, nên trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị dự án đường cao tốc vẫn cần xét đến các phương án phân kỳ đầu tư.

Trong trường hợp xét đến các phương án phân kỳ đầu tư thì nhất thiết vẫn phải làm thiết kế tổng thể hoàn chỉnh cho tương lai để đảm bảo lợi dụng được đầy đủ các phần công trình đã được phân kỳ làm trước, đồng thời đảm bảo thiết kế phân kỳ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng ở giai đoạn sau.

- Đối với các đường cao tốc cần đặc biệt chú trọng việc thiết kế phối hợp không gian các yếu tố tuyến để đảm bảo tạo cảm giác an toàn, thuận lợi, đều đặn, liên tục và dẫn dắt hướng tuyến một cách rõ ràng về mặt thị giác và tâm lý cho người sử dụng, phải chú trọng đảm bảo đường phối hợp tốt với cảnh quan và môi trường dọc tuyến bằng cách lợi dụng việc bố trí cây xanh hoặc các trang thiết bị, các công trình hai bên đường, vừa tô điểm thêm và vừa loại trừ các nguyên nhân phá hoại cảnh quan tự nhiên do việc xây dựng đường cao tốc tạo ra.

Để kiểm tra và đánh giá các giải pháp phối hợp, khi thiết kế nên dựng hình ảnh phối cảnh hoặc mô hình ba chiều của các đoạn đường có yêu cầu nêu trên.

- Đường cao tốc qua vùng dự báo có động đất cấp 7 trở lên (theo thang MSK64) phải được tính toán và thiết kế có xét đến động đất. Việc tính toán thiết kế theo 22 TCN 221-95.

Trân trọng!

Đường cao tốc
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Đường cao tốc
Hỏi đáp Pháp luật
Đường cao tốc phải có tối thiểu 04 làn, có làn dừng xe khẩn cấp từ 01/10/2024 đúng không? Tốc độ cao nhất có thể chạy trên đường cao tốc là bao nhiêu?
Hỏi đáp Pháp luật
Xe mô tô đi vào đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền?
Hỏi đáp Pháp luật
Đường cao tốc là gì? Hiện nay đường cao tốc được phân làm bao nhiêu cấp?
Hỏi đáp Pháp luật
Ô tô đi ngược chiều trên cao tốc sẽ bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Hỏi đáp Pháp luật
Mẫu hợp đồng O&M đường bộ cao tốc áp dụng từ ngày 01/03/2024?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Đường cao tốc
Đinh Thị Ngọc Huyền
1,233 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Đường cao tốc
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào