Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hiện nay bao gồm những gì? Thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua hình thức nộp đơn giấy được quy định như thế nào?
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hiện nay bao gồm những gì?
Theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hiện nay bao gồm:
- 02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu số 08
tại đây Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 65/2023/NĐ-CP;
- 05 Mẫu nhãn hiệu kích thước 80 x 80 mm;
- 01 Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí;
- 01 Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
- 01 Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
- 01 Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.
Đối với trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, thì cần có thêm các loại giấy tờ sau:
- 01 Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
- 01 Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc chứng nhận chất lượng của sản phẩm, chứng nhận nguồn gốc địa lý);
- 01 Bản đồ khu vực địa lý (nếu là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý hoặc có chứa địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
- 01 Văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương)
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hiện nay bao gồm những gì? Thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua hình thức nộp đơn giấy được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu qua hình thức nộp đơn giấy được quy định như thế nào?
Theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, có 02 hình thức nộp đơn giấy đăng ký nhãn hiệu như sau:
- Nộp đơn trực tiếp tại Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các Văn phòng đại diện thông qua các địa chỉ sau:
+ Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ, địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Hồ Chí Minh, địa chỉ: số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại thành phố Đà Nẵng, địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
- Nộp đơn qua dịch vụ của bưu điện đến một trong các điểm tiếp nhận đơn của Cục Sở hữu trí tuệ.
Thủ tục đăng ký nhãn hiệu sẽ được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Tra cứu nhãn hiệu
+ Trước khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chủ đơn cần kiểm tra nhãn hiệu dự định đăng ký có bị trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu khác không để tránh mất thời gian, chi phí.
+ Có thể tra cứu sơ bộ miễn phí trên trang http://iplib.noip.gov.vn/WebUI/WSearch.php hoặc tra cứu có trả phí từ Cục Sở hữu trí tuệ.
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký
- Bước 3: Nộp phí đăng ký và đến cơ quan có thẩm quyền nộp hồ sơ hoặc nộp qua dịch vụ bưu điện.
- Bước 4: Nhận quyết định chấp nhận hình thức đơn. Trong trường hợp đơn đăng ký bị yêu cầu sửa đổi thì sửa đổi theo hướng dẫn.
- Bước 5: Nhận công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp.
- Bước 6: Nhận thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, nộp lệ phí đăng bạ, công bố văn bằng bảo hộ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
- Bước 7: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Các tổ chức, cá nhân nào thì có quyền đăng ký nhãn hiệu?
Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định các tổ chức, cá nhân được quyền đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân đăng ký nhãn hiệu cho hàng hoá tự sản xuất hoặc dịch vụ mình cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại hợp pháp đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm của mình nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng và không phản đối việc đăng ký nhãn hiệu đó;
- Tổ chức tập thể đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy định;
- Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận khi không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu trong trường hợp sử dụng nhãn hiệu nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hoá, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia sản xuất, kinh doan và việc sử dụng không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.