Người hưởng án treo có được xuất cảnh không?
Án treo là gì?
Căn cứ Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định án treo:
Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
...
Theo quy định trên, người hưởng án treo là người bị kết án tù nhưng không quá 03 năm, được căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì được miễn chấp hành hình phạt tù và ấn định thời gian thử thách.
Thời gian thử thách của người hưởng án treo là từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định.
Người hưởng án treo có được xuất cảnh không? (Hình từ Internet)
Người hưởng án treo có được xuất cảnh không?
Căn cứ Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh:
Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh
...
2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
...
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh:
Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh
1. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh được quy định như sau:
...
b) Trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 36 của Luật này, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người vi phạm, người có nghĩa vụ chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này;
...
Theo quy định trên, người được án treo và đang trong thời gian thử thách thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy người hưởng án trao không được xuất cảnh.
Thời gian tạm hoãn thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kết thúc khi người hưởng án treo chấp hành xong bản án hoặc quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định;
Các trường hợp nào chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh?
Căn cứ Điều 21 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 quy định trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh:
Trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh
1. Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 của Luật này.
2. Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 37 của Luật này.
3. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Như vậy, các trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, bao gồm:
- Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm sau:
+ Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc về báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh.
+ Làm giả, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh giả để xuất cảnh, nhập cảnh hoặc đi lại, cư trú ở nước ngoài.
+ Tặng, cho, mua, bán, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố giấy tờ xuất nhập cảnh; hủy hoại, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ xuất nhập cảnh.
+ Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước.
+ Lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc tính mạng, sức khỏe, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
+ Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tổ chức, môi giới, giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định.
+ Cản trở, chống người thi hành công vụ trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc kiểm soát xuất nhập cảnh.
- Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh.
- Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?