Mang tiền mặt về Việt Nam thì phải khai báo không? Thủ tục khai báo Hải quan khi mang tiền mặt về nước được thực hiện như thế nào?
Mang tiền mặt về Việt Nam thì phải khai báo không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Hải quan 2014 quy định về việc khai báo Hải quan khi nhập cảnh mang theo tiền mặt như sau:
Kiểm tra, giám sát hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý của người xuất cảnh, nhập cảnh
...
2. Người nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải khai hải quan tại cửa khẩu.
...
Ngoài ra, căn cứ Điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định về việc khai báo Hải quan khi mang tiền mặt về Việt Nam như sau:
Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh
1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:
a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;
b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).
2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.
...
Như vậy, cá nhân mang theo tiền mặt về Việt Nam khi nhập cảnh là ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam trên mức quy định thì phải khai báo Hải quan.
Đối với ngoại tệ thì cá nhân mang tiền mặt có giá trị trên 5000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương thì phải khai báo. Đối với đồng Việt Nam thì cá nhân mang theo tiền mặt có tổng giá trị trên 15.000.000 VNĐ thì phải khai báo.
Ngoài ra, với các trường hợp nhập cảnh Việt Nam mang theo tiền mặt là ngoại tệ có giá trị thấp hơn hoặc bằng 5000 USD mà có nhu cầu gửi vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân thì cũng phải thực hiện khai báo Hải quan.
Mang tiền mặt về Việt Nam thì phải khai báo không? Thủ tục khai báo Hải quan khi mang tiền mặt về nước được thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)
Thủ tục khai báo Hải quan khi mang tiền mặt về nước được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 4 Thông tư 120/2015/TT-BTC quy định về khai báo trên tờ khai Hải quan khi mang tiền mặt về nước như sau:
Quy định việc khai trên Tờ khai Hải quan
1. Người xuất cảnh, nhập cảnh phải khai Tờ khai Hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh nếu thuộc các đối tượng sau:
...
d) Mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý, công cụ chuyển nhượng, mang vàng xuất cảnh, mang vàng nhập cảnh phải khai báo hải quan theo quy định tại Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 và Thông tư số 11/2014/TT-NHNN ngày 28/3/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể:
d.1. Mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương hoặc mang trên 15.000.000 đồng Việt Nam;
d.2. Mang theo hối phiếu, séc hoặc kim loại quý (bạc, bạch kim và các loại hợp kim có bạc, bạch kim), đá quý (kim cương, ruby, sapphire, e-mơ-rốt) có giá trị từ 300 triệu đồng Việt Nam trở lên;
d.3. Mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có trọng lượng từ 300 gram trở lên;
đ) Người nhập cảnh có nhu cầu xác nhận hải quan đối với ngoại tệ tiền mặt trị giá bằng hoặc thấp hơn 5.000 USD (hoặc ngoại tệ khác tương đương).
2. Người xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện khai Tờ khai Hải quan theo trang 4 của mẫu Tờ khai Hải quan và Phụ lục số 04 ban hành kèm Thông tư này; khai đầy đủ thông tin vào các ô trên các trang 02, trang 03 của Tờ khai Hải quan trước khi làm thủ tục với các cơ quan Hải quan tại cửa khẩu theo từng lần xuất cảnh, nhập cảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai của mình; ghi rõ ràng, không được tẩy xóa, sửa chữa; không sử dụng bút chì, bút mực đỏ để khai.
Như vậy, khi về Việt Nam có mang theo tiền mặt vượt mức quy định cần phải khai báo Hải quan thì người nhập cảnh thực hiện khai Tờ khai Hải quan theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 52/2017/TT-BTC. Người nhập cảnh có trách nhiệm khai đầy đủ thông tin, ghi rõ ràng và không được tẩy xóa, sử dụng bút chì, bút mực đỏ để khai.
Mang tiền mặt về Việt Nam vượt quá mức quy định mà không khai báo bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ Điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi mang tiền mặt về Việt Nam vượt mức quy định mà không khai báo như sau:
Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý khác, đá quý
...
2. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bàng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng Việt Nam;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
...
6. Trị giá tang vật vi phạm tại Điều này là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý khác, đá quý không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 5 Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
3. Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:
a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
b) Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân;
...
đ) Khi phạt tiền, mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Điều 7, Điều 8, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 và các khoản 1, 3, 4 Điều 25 Nghị định này là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
e) Khi xác định mức phạt tiền đối với một hành vi vi phạm hành chính vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.
Như vậy, người nhập cảnh về Việt Nam mang theo tiền mặt về Việt Nam vượt mức quy định mà không khai báo thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Số tiền mặt vượt mức quy định từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng;
- Số tiền mặt vượt mức quy định từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
- Số tiền mặt vượt mức quy định từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Mức phạt trên là mức phạt trung bình, nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- vnEdu.vn đăng nhập tra điểm nhanh nhất 2024 dành cho phụ huynh và học sinh?
- Xếp hạng 6 di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 năm 2024?
- Tháng 11 âm lịch là tháng mấy dương lịch 2024? Xem lịch âm Tháng 11 2024 chi tiết?
- Mẫu Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp hoạt động liên tục mới nhất 2024?
- Nội dung công việc thực hiện công tác địa chất đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm từ 06/01/2025?