Hoạt động thương mại là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại?
Hoạt động thương mại là gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 có định nghĩa về hoạt động thương mại như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
...
Như vậy, có thể hiểu hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:
- Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
- Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại, theo đó một bên (sau đây gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ (sau đây gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận.
- Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
- Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác bao gồm:
+ Gia công trong thương mại.
+ Đấu giá hàng hóa.
+ Đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
+ Dịch vụ Logistics.
+ Dịch vụ quá cảnh hàng hóa.
+ Dịch vụ giám định.
+ Cho thuê hàng hóa.
+ Nhượng quyền thương mại.
Hoạt động thương mại là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại? (Hình từ Internet)
Có bao nhiêu nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại?
Theo Mục 2 Chương 1 Luật Thương mại 2005 quy định thì có 06 nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại, bao gồm:
[1] Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại
[2] Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại
[3] Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên
[4] Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại
[5] Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng
[6] Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại
Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 16 Luật Thương mại 2005 quy định về thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam cụ thể như sau:
Thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam
1. Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
2. Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
3. Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Như vậy, theo quy định trên thì thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau:
- Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận.
- Được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam;
- Thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
- Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Thương mại điện tử có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?