Cưỡng bức lao động là gì? Dấu hiệu của cưỡng bức lao động?

Cho tôi hỏi cưỡng bức lao động là gì? Dấu hiệu của cưỡng bức lao động? Người có hành vi cưỡng bức lao động thì bị phạt bao nhiêu và có bị xử lý hình sự không? Mong được giải đáp!

Cưỡng bức lao động là gì? Dấu hiệu của cưỡng bức lao động?

Căn cứ khoản 7 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.
...

Như vậy, cưỡng bức lao động là hành vi khiến người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ dưới sức ép, đe dọa, vũ lực hoặc các thủ đoạn khác từ phía người sử dụng lao động.

Một số dấu hiệu nhận của cưỡng bức lao động như sau:

- Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động:

+ Người lao động bị cưỡng bức lao động thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết, dễ bị lợi dụng.

+ Họ có thể là người nghèo, thất nghiệp, người di cư, người khuyết tật, trẻ em, hoặc những người bị buôn bán người.

- Lừa gạt:

+ Người lao động bị cưỡng bức lao động thường bị lừa gạt về mức lương, điều kiện làm việc, hoặc về bản chất công việc.

+ Người lao động có thể được hứa hẹn mức lương cao, điều kiện làm việc tốt, hoặc được đưa đi làm việc ở nước ngoài với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động.

- Hạn chế đi lại:

+ Người lao động bị cưỡng bức lao động thường bị hạn chế đi lại, không được phép rời khỏi nơi làm việc mà không có sự cho phép của người sử dụng lao động.

+ Người lao động có thể bị giam giữ, giám sát, hoặc bị thu giữ giấy tờ tùy thân.

- Bị cô lập:

+ Người lao động bị cưỡng bức lao động thường bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài, không được phép liên lạc với gia đình, bạn bè, hoặc các cơ quan chức năng.

+ Người lao động có thể bị nhốt trong các nhà máy, xí nghiệp, hoặc các khu vực biệt lập.

Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu của cưỡng bức lao động khác có thể, chẳng hạn như:

- Người lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại, không đảm bảo an toàn lao động.

- Người lao động không được trả lương hoặc trả lương thấp hơn mức quy định của pháp luật.

- Người lao động không được nghỉ phép, nghỉ lễ theo quy định của pháp luật.

- Người lao động không được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Các dấu hiệu trên chỉ mang tính chất tham khảo!

Cưỡng bức lao động là gì? Dấu hiệu của cưỡng bức lao động?

Cưỡng bức lao động là gì? Dấu hiệu của cưỡng bức lao động? (Hình từ Internet)

Hành vi cưỡng bức lao động thì bị phạt bao nhiêu?

Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động:

Vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động
...
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...

Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động:

Vi phạm quy định về thực hiện hợp đồng lao động
...
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Cưỡng bức lao động hoặc ngược đãi người lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...

Căn cứ khoản 4 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình:

Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình
...
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
...

Căn cứ điểm a khoản 9 Điều 42 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ):

Vi phạm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây viết tắt là doanh nghiệp dịch vụ)
...
9. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng khi có một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...

Căn cứ điểm a khoản 8 Điều 43 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài:

Vi phạm quy định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài
...
8. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...

Căn cứ điểm a khoản 7; khoản 8 Điều 44 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm quy định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài:

Vi phạm quy định về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài
...
7. Phạt tiền từ 75.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép hoặc bóc lột hoặc cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung
Đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài từ 06 tháng đến 12 tháng khi có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều này.
...

Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 45 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi vi phạm của doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài:

Vi phạm của doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài
...
6. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép hoặc bóc lột hoặc cưỡng bức lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...

Như vậy, cá nhân nào có hành vi cưỡng bức lao động chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Lôi kéo; dụ dỗ; hứa hẹn; quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt hoặc tuyển dụng người lao động với mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động.

+ Người sử dụng lao động cưỡng bức lao động hoặc ngược đãi người lao động;

+ Người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động là người giúp việc gia đình.

- Phạt tiền từ 75.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động.

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng đối với các hành vi sau:

+ Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài.

+ Lợi dụng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, bóc lột hoặc cưỡng bức lao động của doanh nghiệp dịch vụ.

Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Trường hợp nào cưỡng bức lao động bị xử lý hình sự?

Căn cứ Điều 297 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi khoản 99 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội cưỡng bức lao động:

Tội cưỡng bức lao động
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, cưỡng bức lao động trong các trường hợp sau thì bị xử lý hình sự tội cưỡng bức lao động:

- Ngươi nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội cưỡng bức lao động nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Hành vi cưỡng bức lao động gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%;

Người phạm tội cưỡng bức lao động có thể bị phạt ải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trân trọng!

Người lao động
Căn cứ pháp lý
Hỏi đáp mới nhất về Người lao động
Hỏi đáp Pháp luật
Doanh nghiệp phá sản sẽ ưu tiên thanh toán khoản nào cho người lao động?
Hỏi đáp Pháp luật
Làm OT là gì? Tiền lương làm OT được tính như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Bộ phận QC là gì? Bộ phận QC có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động không?
Hỏi đáp Pháp luật
01 năm có bao nhiêu tuần bao nhiêu ngày? Được xin nghỉ phép tối đa bao nhiêu ngày trong 01 năm?
Hỏi đáp Pháp luật
Người lao động có nhiều vi phạm nhưng đang nghỉ ốm đau thì được áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động cùng một lúc không?
Hỏi đáp Pháp luật
Chi tiết giờ làm việc mùa đông 2024 tại một số tỉnh thành?
Hỏi đáp Pháp luật
Con từ 03 tuổi dưới 07 tuổi bị ốm, người lao động được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày trong một năm cho mỗi con?
Hỏi đáp Pháp luật
Từ 1/7/2025, con dưới 03 tuổi bị ốm, NLĐ được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày trong một năm cho mỗi con?
Hỏi đáp Pháp luật
Quan hệ lao động là gì? Quan hệ lao động được xây dựng như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Hướng dẫn tổ chức Hội nghị Cán bộ công chức viên chức người lao động năm học 2024 - 2025?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Người lao động
Phan Vũ Hiền Mai
1,426 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào