Cấp 3 hệ bổ túc là gì? Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc do ai có thẩm quyền cấp?
Cấp 3 hệ bổ túc là gì?
Cấp 3 hệ bổ túc là hình thức đào tạo ngoài chính quy, dành cho những đối tượng chưa hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông (THPT) theo hệ chính quy.
Chương trình học của cấp 3 hệ bổ túc được xây dựng dựa trên chương trình học của hệ chính quy, đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học.
Cấp 3 hệ bổ túc tuyển sinh đối với các đối tượng sau:
- Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng chưa hoàn thành chương trình THPT theo hệ chính quy.
- Người đã có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương nhưng muốn học bổ túc để nâng cao kiến thức, kỹ năng.
- Người đã đi làm nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT và muốn học để có cơ hội tiếp tục học lên cao.
Cấp 3 hệ bổ túc là gì? Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc do ai có thẩm quyền cấp? (Hình từ Internet)
Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc và chính quy có giá trị như nhau không?
Theo quy định tại Điều 6 Luật Giáo dục 2019 quy định về hệ thống giáo dục quốc dân như sau:
Hệ thống giáo dục quốc dân
1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
2. Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
d) Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
3. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định ngưỡng đầu vào trình độ cao đẳng, trình độ đại học thuộc ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe.
Theo đó, căn cứ tại khoản 4 Điều 12 Luật Giáo dục 2019 quy định về văn bằng, chứng chỉ như sau:
Văn bằng, chứng chỉ
1. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp cấp học hoặc sau khi hoàn thành chương trình giáo dục, đạt chuẩn đầu ra của trình độ tương ứng theo quy định của Luật này.
2. Văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
3. Chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp hoặc cấp cho người học dự thi lấy chứng chỉ theo quy định.
4. Văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục thuộc các loại hình và hình thức đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cấp có giá trị pháp lý như nhau.
5. Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.
Từ những căn cứ nêu trên, hệ giáo dục bổ túc hay chính quy thì đều thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Chính vì vậy, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc và chính quy đều có giá trị như nhau.
Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc do ai có thẩm quyền cấp?
Căn cứ theo quy định Điều 15 Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT quy định về thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ như sau:
Thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ
1. Thẩm quyền cấp văn bằng được quy định như sau:
a) Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở do trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp;
b) Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông do giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp;
c) Bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm do người đứng đầu cơ sở đào tạo giáo viên hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo giáo viên cấp;
d) Văn bằng giáo dục đại học do giám đốc đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp;
đ) Giám đốc đại học cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trực thuộc (trừ các trường đại học thành viên).
2. Giám đốc sở giáo dục và đao tạo, thủ trưởng cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ cho người học theo quy định.
Theo quy định trên, hệ giáo dục bổ túc hay chính quy thì đều thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Do đó, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc và chính quy đều có giá trị như nhau.
Như vậy, Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông hệ bổ túc cũng do Giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?