An toàn lao động là gì? Quy định về an toàn lao động như thế nào?
An toàn lao động là gì? Quy định về an toàn lao động như thế nào?
Theo quy định khoản 2 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có giải thích an toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Hiện nay quy định về an toàn lao động được điều chỉnh, hướng dẫn trong một số văn bản như sau:
[1] Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
[2] Nghị định 39/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn vệ sinh lao động.
[3] Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
[4] Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
[5] Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
[6] Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
[7] Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
[8] Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
An toàn lao động là gì? Quy định về an toàn lao động như thế nào? (Hình từ Internet)
Nhà nước có chính sách như thế nào trong an toàn, vệ sinh lao động?
Theo quy định Điều 4 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, hiện nay trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, Nhà nước có các chính sách như sau:
- Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
- Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.
- Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
- Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
- Xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.
Người lao động có quyền gì trong an toàn, vệ sinh lao động?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trong công tác an toàn, vệ sinh lao động, người lao động có các quyền như sau:
- Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động.
- Yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc.
- Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống.
- Được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
- Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp;
- Được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
- Chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?