Người bị tố giác có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hay không?
Người bị tố giác có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hay không?
Căn cứ Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:
Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố.
Theo quy định trên, người bị tố giác là có hành vi phạm tội có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Ngoài ra, người bị tố giác có các quyền sau:
- Được thông báo về hành vi bị tố giác;
- Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định;
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố;
Người bị tố giác có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hay không? (Hình từ Internet)
Người có hành vi tố giác về tội phạm sai sự thật thì bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ Điều 9 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022 quy định mức xử phạt hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật:
Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này:
a) Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.
3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Như vậy, người có hành vi tố giác tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Đối với luật sư có hành vi tố giác tội phạm sai sự thật thì có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng.
Ngoài ra, người có hành vi tố giác tội phạm sai sự thật thì bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Quy định tại khoản 2 Điều 6 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng 2022)
Người có hành vi tố giác về tội phạm sai sự thật có bị phạt tù không?
Căn cứ Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vu khống:
Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, người nào có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị về tội vu khống và bị phạt tù đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội vu khống còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?