Xuất hóa đơn khi phát hành chứng chỉ tiền gửi như thế nào?
Có phải xuất hóa đơn khi phát hành chứng chỉ tiền gửi hay không?
Căn cứ theo Công văn 76788/CTHN-TTHT năm 2023 hướng dẫn về xuất hóa đơn đối với hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi như sau:
Căn cứ Thông tư 01/2021/NHNN-TT ngày 31/3/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
....
Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
....
Căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT.
....
Căn cứ Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành quy định về thành phần chứa dữ liệu nghiệp vụ hóa đơn điện tử và phương thức truyền nhận với cơ quan thuế:
....
Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt phát hành chứng chỉ tiền gửi cho đối tượng mua phù hợp theo quy định của pháp luật thì Công ty thực hiện lập hóa đơn để giao cho người mua theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ. Về nội dung của hóa đơn Công ty thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt phát hành nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC) thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp Công ty cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, trên hóa đơn; GTGT tại chỉ tiêu “thuế suất”, Công ty thể hiện là KCT (Không chịu thuế GTGT) theo hướng dẫn tại Quyết định số 1450/QĐ-TCT ngày 07/10/2021.
Như vậy, việc xuất hóa đơn khi phát hành chứng chỉ tiền gửi được thực hiện tại thời điểm công ty tài chính phát hành chứng chỉ cho người mua. Nội dung hóa đơn được giao cho người mua phải đảm bảo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, trường hợp hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi thuộc dịch vụ cấp tín dụng là đối tượng không chịu thuế GTGT theo khoản 8 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 26/2015/TT-BTC thì tại hóa đơn GTGT phần chỉ tiêu “thuế suất", công ty xuất hóa đơn thể hiện là KCT (Không chịu thuế GTGT).
Xuất hóa đơn khi phát hành chứng chỉ tiền gửi như thế nào? (Hình từ Internet)
Tổ chức nào được phát hành chứng chỉ tiền gửi?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2021/TT-NHNN về đối tượng áp dụng cụ thể như:
Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu (sau đây gọi là giấy tờ có giá) theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.
.....
Bên cạnh đó theo Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định về đối tượng phát hành giấy tờ có giá như sau:
Đối tượng phát hành giấy tờ có giá
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành giấy tờ có giá theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm:
1. Ngân hàng thương mại.
2. Ngân hàng hợp tác xã.
3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
4. Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Thông qua quy định trên, chứng chỉ tiền gửi là giấy tờ có giá do các tổ chức dưới đây phát hành theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức:
- Ngân hàng hợp tác xã.
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.
Tổ chức phát hành chứng chỉ tiền gửi phải đảm bảo các nguyên tắc nào?
Căn cứ tại Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, tổ chức phát hành chứng chỉ tiền gửi phải đảm bảo các nguyên tắc như sau:
[1] Chủ động tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và quy định tại Thông tư 01/2021/TT-NHNN khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn như sau:
- Tỷ lệ khả năng chi trả.
- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
- Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.
- Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có.
- Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi.
[2] Thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp cho người mua tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
[3] Chứng chỉ tiền gửi phát hành phải bao gồm các nội dung sau:
- Tên tổ chức phát hành.
- Tên gọi kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi.
- Ký hiệu, số sê-ri phát hành.
- Chữ ký của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành và các chữ ký khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định;
- Mệnh giá, thời hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn thanh toán.
- Lãi suất, phương thức trả lãi, thời điểm trả lãi, địa điểm thanh toán gốc và lãi.
- Họ tên, số CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực, địa chỉ của người mua nếu người mua là cá nhân.
- Tên tổ chức mua, số giấy phép thành lập hoặc mã số doanh nghiệp hoặc số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trong trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp), địa chỉ của tổ chức mua nếu người mua là tổ chức.
- Đối chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính phát hành, ghi rõ người sở hữu chỉ được chuyển quyền sở hữu cho tổ chức.
- Các nội dung khác của chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Từ 01/01/2025, có các phương thức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện nào?
- Người đại diện cho Đại học quốc gia trước pháp luật là ai? Có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
- Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh năm 2025 cần những gì?
- Mẫu tờ khai xác nhận tình trạng chỗ ở hợp pháp, diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo Nghị định 154 mới nhất?
- Mùng 6/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương lịch? Mùng 6 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?